Bộ trưởng Nội vụ Iran Mohammad Najjar cho biết, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống nước này tính đến trưa ngày 15.6 (theo giờ địa phương) cho thấy, ứng cử viên ủng hộ đường lối cải cách Hassan Rohani đang tạm thời dẫn đầu.
Sáng 15.6, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Najjar nói rằng trong tổng số 861.866 phiếu bầu hợp lệ được kiểm tại 1.631 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, ông Rohani giành được gần 402.000 phiếu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất là Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf được khoảng 126.000 phiếu bầu. Vị trí thứ ba thuộc về nhà đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili với 119.000 phiếu.
Ông Hassan Rouhani. |
Tuy nhiên, theo CNN, tính đến trưa 15.6 ( giờ địa phương), ông Rouhani đã có 6.049.655 phiếu, ông Mohammad Bagher Ghalibaf có 1.844.463 phiếu; ông Saeed Jalili đã có 1.400.712 phiếu; Mohsen Rezaei đã có 1.518.964 phiếu; Ali-Akbar Velayati có 729.044 phiếu; và Mohammad Gharazi có 143.301 phiếu.
Các quan chức tại trụ sở bầu cử của Bộ Nội vụ cho biết, có 11.686.139 phiếu bầu hợp lệ trong tổng số 12.091.699 phiếu bầu đã được tính tại 21.376 điểm bỏ phiếu cho đến nay. Tuy nhiên, số phiếu nói trên này cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số phiếu bầu. Nếu con số cử tri đi bầu 70% là chính xác, sẽ có khoảng 35 triệu phiếu bầu.
Quá trình bỏ phiếu được kéo dài tới 23:00 tối thứ Sáu giờ địa phương để nhiều người dân có thể tham gia bầu.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào kết quả cuối cùng được công bố. Iran có khoảng hơn 50 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu và số người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này được cho rằng rất cao.
Tuy toàn bộ 6 ứng cử viên đều bị cho là bảo thủ, nhưng ông Rouhani - một giáo sỹ 64 tuổi, thường được mô tả là "ôn hòa" hơn cả. Ông đã giữ một số vị trí tại Quốc hội và cũng từng đóng vai trò đàm phán viên trưởng về hạt nhân. Ông Rouhani đã có liên hệ sâu rộng với phe cải cách trong những ngày gần đây.
Sự ủng hộ dành cho ông Rouhani tăng lên sau khi Mohammad Reza Aref, ứng viên theo cải cách duy nhất trong cuộc bầu cử, tuyên bố ngừng tham gia theo lời khuyên của cựu Tổng thống Mohammad Khatami. Ông Rouhani được hai cựu tổng thống là Khatami và Akbar Hashemi Rafsanjani ủng hộ.
Khi các phòng phiếu đóng cửa, đại diện của cả sáu ứng viên đã ra thông cáo chung kêu gọi người ủng hộ giữ bình tĩnh cho tới khi kết quả cuối cùng được công bố. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Mostafa Mohammad Najjar nói trên truyền hình nhà nước rằng nếu ứng viên nào không thỏa mãn với kết quả thì có thể đề xuất phúc tra. Tổng thống Ahmadinejad đã bỏ phiếu ở Tehran cùng với Phó Tổng thống Mohammad Reza Rahimi và người phát ngôn Gholam Hoseyn Elham.
Tân Tổng thống Iran sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong đó có kinh tế và hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tân tổng thống sẽ phải đặt vấn đề kinh tế lên ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến hạt nhân và chính trị. Những khó khăn về kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt là lạm phát, thất nghiệp và đồng tiền mất giá. Tình trạng lạm phát đã tác động mạnh đến tầng lớp trung lưu và bình dân.
Cuộc bầu cử ở Iran diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây vừa thắt chặt thêm một nấc nữa về các biện pháp trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Chính vì vậy, đối với Iran, về chính sách đối ngoại và vấn đề hạt nhân, tân Tổng thống phải là người có đầy đủ uy tín để bảo vệ quyền chính đáng của quốc gia trong việc phát triển chương trình hạt nhân hòa bình.
Quang Minh (tổng hợp)