New York Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, thông tin trên càng khiến Trung Quốc giận dữ trước sự giám sát của Mỹ tại các vùng biển chiến lược cũng như các khu vực tranh chấp. Mỹ cam kết duy trì ảnh hưởng trong khu vực đối phó sự nổi lên của Trung Quốc, nhất trí với Philippines về việc triển khai nhiều tàu chiến, máy bay và binh sĩ hơn tại các căn cứ quân sự của nước này.
Trước đó, báo Mỹ Wall Street Journal dẫn lời đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, phát biểu tại Quỹ Hòa bình quốc tế ở Washington: “Malaysia đã đề nghị cho máy bay P-8 của chúng tôi cất cánh ở đông Malaysia”.
Đô đốc Greenert khẳng định, Malaysia cùng với Philippines và Singapore là nhân tố chủ chốt để Mỹ thành công trong việc tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Đô đốc Greenert phát biểu ngay trước ngày Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cảnh báo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải ngừng các chuyến bay do thám bằng máy bay P-8 ở biển Đông.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong việc đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông, nước này đã phát triển một đội tàu ngầm tiên tiến hơn.
Tháng trước, máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn đuổi một chiếc P-8 gần đảo Hải Nam. Mỹ đã triển khai phi đội 6 chiếc P-8 tại căn cứ không quân Kadena (Nhật Bản).
Lầu Năm Góc đã đặt hàng thêm hơn 100 chiếc P-8. Malaysia có quan hệ khá nồng ấm với Trung Quốc, nhưng cũng có tranh chấp lãnh thổ với nước này. Trung Quốc đòi chủ quyền bãi cạn James/Tăng Mẫu chỉ cách Malaysia 50 dặm (80 km), nhưng cách Trung Quốc tới 930 dặm. Trung Quốc tuyên bố đây là điểm cực nam của “đường chín đoạn”, song không nước nào công nhận.
Theo chuyên gia về Đông Nam Á Ernie Bower thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ), Malaysia đề xuất Mỹ giám sát biển Đông vì “Trung Quốc khiến Malaysia kinh ngạc vì đã điều tàu chiến vào vùng biển nước này và đe dọa việc khai thác dầu khí ngoài khơi”.
Malaysia cũng phải chịu áp lực lớn từ Trung Quốc sau vụ máy bay MH-370 mất tích với 153 công dân Trung Quốc. Một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên cho biết, đàm phán giữa Malaysia và Mỹ về việc sử dụng căn cứ không quân tại bang Sabah đã diễn ra một số lần.
Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng, Trung Quốc có thể diễn giải thỏa thuận giữa Mỹ và Malaysia là một thách thức trực tiếp đối với quan điểm của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, động thái này là một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc. Sự hung hăng trên biển Đông của Trung Quốc đã gây nên rạn nứt ngoại giao nghiêm trọng với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Trước đó, hãng tin Anh Reuters dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel tuyên bố hôm 12.9 rằng, Mỹ thực hiện các chuyến bay vì Trung Quốc tăng cường quân sự quy mô lớn những năm gần đây và những bí mật xung quanh đó.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ rõ, các động thái hung hăng của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở biển Đông, như tăng cường xây dựng trên các bãi đá ngầm, gây lo ngại cho các nước trong khu vực.