Dân Việt

TPP với kinh tế Việt Nam: Lợi ích nhiều và thách thức lớn

16/09/2014 13:53 GMT+7
Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu tới Mỹ, phóng viên TTXVN đã thực hiện cuộc phỏng vấn giáo sư Jeffrey Schott, chuyên gia hàng đầu về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhân dịp ông vừa có cuộc tiếp xúc, làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Jeffrey Schott, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cho biết, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP vì nó mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như xuất khẩu tới các quốc gia đối tác của TPP.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn, đòi hỏi theo thời gian phải thực hiện các cải cách quan trọng về chính sách.
 
Giáo sư nhấn mạnh các nhà đàm phán đang tìm cách đạt tới một "sự cân bằng chuẩn xác" giữa mức độ sâu của tự do hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện với tốc độ thực hiện các cam kết tự do hóa này.

img

Giáo sư Jeffrey Schott (trái) trình bày về vấn đề TPP với các thành viên đoàn Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa/TTXVN)


Theo quan điểm của ông, điều quan trọng là Việt Nam cần có một chiến lược cải cách kinh tế trong giai đoạn 10-15 năm tới, đồng thời đảm bảo tiến trình thực hiện để TPP mang lại lợi ích và hiệu quả lớn nhất.

Ông cũng cho rằng để làm được việc này, cần một chiến lược cải cách rõ ràng, trong đó có lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Ông nhấn mạnh, với một chiến lược như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng và gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, giáo sư Schott đã đưa ra một số nhận định, đánh giá về các khó khăn, thách thức và triển vọng đàm phán TPP, trong đó dự báo hiệp định này có thể kết thúc đàm phán và ký kết vào nửa đầu năm 2015.

Giáo sư Schott cho biết các nhà đàm phán hiện đang tích cực làm việc để thu hẹp các khác biệt về quan điểm và khi đàm phán càng gần đến giai đoạn kết thúc thì thông thường nó phải đối mặt và giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm chính trị, đòi hỏi nỗ lực lớn của tất cả các bên.
 
Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay là việc đàm phán liên quan đến tiếp cận thị trường nông nghiệp, dịch vụ. Điều này đòi hỏi các nhà đàm phán phải tiến hành thêm các vòng thương lượng trong đầu năm tới. Vấn đề nông nghiệp sẽ nổi lên vào cuối đàm phán giữa Mỹ-Nhật Bản và hiện hai nước đang tích cực xử lý vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông cho rằng còn một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư, môi trường và doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng đây là các vấn đề có thể giải quyết được giữa 12 quốc gia đang tham gia đàm phán TPP. Hiện các nước này đang tích cực đàm phán và sẽ có những điều chỉnh về lập trường trong những tháng tới trước khi các nhà lãnh đạo chính trị có quyết định cuối cùng.

Theo Giáo sư Schott, một trong các vấn đề gây trở ngại hiện nay là quyền đàm phán nhanh Hiệp định Thương mại (TPA). Hiện Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật về TPA cho phép Tổng thống Barack Obama thực hiện quyền đàm phán nhanh. Ông cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng lên tiến trình đàm phán TPP khi các quốc gia tham gia đàm phán đều muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện hiệp định.

Giáo sư Schott mong muốn Tổng thống Obama và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phối hợp chặt chẽ với Quốc hội nhằm đảm bảo rằng TPA có thể được thông qua vào đầu năm 2015 trong khóa Quốc hội mới.

Ông cho rằng đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra. Khi Quốc hội Mỹ thực hiện bước đi này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc kết thúc đàm phán và ký kết TPP trong nửa đầu năm sau.