Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Đài Loan vừa công bố có tới hơn 1.200 doanh nghiệp thực phẩm sử dụng dầu bẩn do Tập đoàn Chang Guann sản xuất, và những sản phẩm của các doanh nghiệp này đã được xuất sang 12 quốc gia, vùng lãnh thổ - trong đó có Việt Nam. Lập tức, cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc...
Hải quan, Bộ Công Thương đang tìm hiểu
Ngày 15.9, ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã nhận được thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội thông báo Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cửu Hương đã nhập khẩu từ Đài Loan hai loại sản phẩm của Công ty hữu hạn cổ phần Công nghiệp Thực phẩm Wei Chuan có chứa dầu ăn bẩn. Hai thực phẩm bao gồm: Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (canned picked cucumber with pork): Loại 170g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 1.5.2014, hạn sử dụng: 1.5.2017; và sốt thịt cay đóng hộp (canned minced meat with chilli): loại 150g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 31.5.2014, hạn sử dụng: 31.5.2017. Ngay lập tức, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn yêu cầu Công ty Cửu Hương dừng ngay việc lưu thông, khẩn trương thu hồi các sản phẩm nêu trên và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 20.9.2014. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát trên thị trường về hai sản phẩm nói trên, khẩn trương thu hồi và báo cáo về Cục trước 16 giờ hàng ngày.
Trước thông tin về việc Tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện Tập đoàn Chang Guann không có sản phẩm nào đã công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Theo ông Trung, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ phía Đài Loan.
Chiều 15.9, trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Hải quan) cho biết, đến thời điểm này, hải quan chưa thể thông tin cụ thể về các sản phẩm của doanh nghiệp có sử dụng dầu bẩn nhập vào Việt Nam. Thông thường các sản phẩm thực phẩm vào Việt Nam từ rất nhiều nguồn khác nhau, không chỉ duy nhất là qua hải quan nên phía hải quan cũng không thể nắm hết được. Ông Tùng cho hay, hiện cơ quan này cũng đang theo dõi sát sao vụ việc để sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xác minh, phát hiện xem có các sản phẩm bẩn vào Việt Nam không và vào như thế nào (nếu có).
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, Bộ Công Thương đang tìm hiểu các thông tin liên quan đến vụ thực phẩm làm từ dầu ăn bẩn nhập vào Việt Nam.
Chưa thấy sản phẩm bẩn ở siêu thị
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, dư luận đang rất nghi ngờ và lo âu việc có một lượng không nhỏ thực phẩm chế biến bằng dầu nhiễm bẩn từ Đài Loan có thể đã được đưa vào Việt Nam từ năm ngoái đến nay. Bởi theo Bộ Y tế Đài Loan, 14 mặt hàng thực phẩm chế biến bằng dầu bẩn của Tập đoàn Chang Guann đã được phân phối sang nhiều nước từ tháng 3.2013. Các quốc gia và khu vực đã nhập hàng chế biến bằng dầu bẩn gồm có Argentina, Australia, Brazil, Chile, Trung Quốc, Pháp, Hongkong, New Zealand, Singapore, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam. Đại diện chính quyền Đài Loan cũng khẳng định đã cung cấp thông tin bao gồm mã hàng, tên hàng và các thông tin cần thiết về những sản phẩm nhiễm bẩn này cho các cơ quan chức năng ở những nước có liên quan trong đó có Việt Nam.
Trong số những công ty sản xuất và phân phối các sản phẩm bị nghi là làm từ dầu bẩn có Triko Foods, Wei Chuan, Ve Wong, Black Bridge Food. Công ty Triko Foods được biết đến với các sản phẩm mang thương hiêu Sheng Hsiang Chen, còn Wei Chuan là công ty sở hữu thương hiệu mì gói nổi tiếng Master Kong. Hơn nữa, dù có thể không nhập sản phẩm thực phẩm chế biến từ Đài Loan song Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hongkong, Macau và có hay không các sản phẩm bẩn đã lọt vào Việt Nam theo con đường này, hoặc nguồn nhập lậu?
Chiều qua, phóng viên đã có cuộc khảo sát nhanh về một số sản phẩm mang thương hiệu và nhãn hàng của các công ty bị nêu tên nói trên. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), quầy hàng thực phẩm chế biến không có sản phẩm của công ty hay nhãn hàng nào nằm trong danh sách đã công bố. Siêu thị này cũng bán sản phẩm mì nhập khẩu nhưng chủ yếu là mì nhập từ Hàn Quốc, không có sản phẩm nào là mì Master Kong. Chúng tôi cũng tìm hiểu hàng hóa bán tại siêu thị Intimex Giảng Võ (Hà Nội) và cũng không tìm thấy nhãn hàng nào thuộc diện bị nêu tên ở trên…