Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế bằng đường hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng nhanh nhất thế giới. Theo dự đoán của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), từ cuối năm 2013-2017, lượng hành khách sử dụng máy bay ở châu Á sẽ tăng 5,7% mỗi năm, trong khi tại châu Âu chỉ ở mức 3,9% và Bắc Mỹ chỉ khoảng 3,6%.
Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế bằng đường hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng nhanh nhất thế giới.
Báo
Strais Times dẫn lời Tiến sỹ Hsin Chen Chung, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý giao thông hàng không của Singapore (ATMRI), cho rằng nếu không hành động ngay lập tức, hàng không châu Á sẽ rơi vào “tắc đường” chỉ trong 5-10 năm nữa. “Giao thông hàng không trên toàn châu Á sẽ trải qua tình trạng tắc nghẽn như châu Âu 15 năm trước” - ông Hsin nhận định.
Tắc nghẽn hàng không sẽ khiến các chuyến bay tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á phải giảm tần suất hoặc tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến sẽ gia tăng nhanh chóng trên toàn khu vực.
Hiện nay, các đường bay Singapore đi Bangkok, Jakarta, Hongkong (Trung Quốc) hay Bangkok đi Hongkong cũng như châu Á đi châu Âu nói chung được xem là những đường bay đông đúc nhất thế giới và đứng trước nguy cơ tắc nghẽn tiềm tàng.
Các chuyên gia hàng không lo ngại hệ thống quản lý khu vực cả về nhân lực lẫn cơ sở hạ tầng không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng 5,7% mỗi năm.
Ngoài ra, các nước đa dạng về chính trị lẫn kinh tế lại không sẵn sàng chia sẻ thông tin về khả năng cũng như kỹ thuật hàng không với lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Tổng giám đốc Hiệp hội Các hãng hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương Andrew Herdman đánh giá, quy trình chuyển giao thủ tục thông suốt giữa các chuyến bay khi bay vào các vùng không phận phức tạp là điều rất quan trọng.
Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là các nước trong khu vực phải thúc đẩy các hệ thống và quy định chung, đầu tư tốt hơn cho công nghệ kiểm soát và điều khiển không lưu để giám sát các chuyến bay tốt hơn.
Hãng Boeing dự đoán “giao thông hàng không châu Á” cũng sẽ gặp khó khăn do ngành công nghiệp hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lượng lớn phi công và lực lượng nhân viên mặt đất, kể cả kỹ sư bảo dưỡng máy bay.