Dân Việt

Mo cau trong ký ức tuổi thơ

Trần Hữu Hiệp 19/09/2014 08:00 GMT+7
“Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau/Chở em khắp ngõ vườn/Cô bé mỹ miều, cười run run bờ vai/ Tay ôm chắc vành mo...”. 

Những ca từ da diết trong bài Người phu kéo mo cau của “ông hoàng nhạc sến” Vinh Sử đã đi vào lòng người bao thế hệ. Thấp thoáng qua nhạc điệu trầm buồn là những ký ức tuổi thơ, những trò chơi con trẻ, trò kéo mo cau ngày bé.

Cau là loại cây trồng có ở nhiều nơi thuộc xứ nhiệt đới. Trầu cau là một hình tượng đẹp, có từ lâu đời trong tâm thức người Việt qua truyện Sự tích trầu cau. “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/Này của Xuân Hương đã quệt rồi/Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá, bạc như vôi” (Hồ Xuân Hương). Cau cùng với miếng trầu là “đầu câu chuyện”. Bóng dáng hàng cau Thôn Vỹ đã nổi danh trong thơ của ông vua thơ tình Hàn Mặc Tử một thời.

img Ảnh minh hoạ, nguồn: BBT

Dáng cau thẳng đứng, lá cau xanh tươi, hoa cau rụng trắng sân vườn… là những hình ảnh đẹp của thơ ca, nhạc họa. Còn những tàu cau khô, rụng xuống, thì ít ai để ý. Phần nan ôm vào thân cây được dân quê dùng làm vật liệu chen chỗ giáp mối mê bồ lúa, dùng để lót ổ gà hay làm quạt mo phe phẩy buổi trưa hè. Cái quạt mo bình dị, đơn sơ, thân thuộc đã đi vào câu chuyện dân gian Thằng Bờm có cái quạt mo sánh ngang ba bò, chín trâu, ao sâu, ruộng cả của phú ông. Với trẻ con chúng tôi xưa, những tàu cau già cỗi bỏ đi đó trở thành phương tiện chơi trò phu kéo xe hấp dẫn một thời.

Ngày xưa, cây cau, vườn trầu ở xứ tôi có nhiều vô kể. Bây giờ thì chẳng mấy ai trồng cau lấy trái để ngoại ngồi bỏm bẻm nhai trầu kể chuyện đời xưa, để đám tiệc hay ngày tết người ta mời cau, mời trầu nhau cho đủ lễ. Ngày nay, thiên hạ chỉ trồng cau kiểng, cau vua trong khuôn viên biệt thự hay khu du lịch. Trẻ con bây giờ thiếu gì đồ chơi điện tử, có đứa còn nổi tiếng là game thủ tung hoành thế giới mạng, đâu còn hứng thú với những trò kéo mo cau quê mùa như trẻ con ngày trước!

Tôi đã đi qua những năm tháng tuổi thơ ở miền quê nghèo khó, những lúc thiếu thốn, vất vả như tàu cau khô rụng xuống sân vườn. Nhưng trẻ con nhà nghèo, xứ quê có cái thú riêng của kẻ thiếu khó, đã làm nên ký ức tuổi thơ với những trò chơi mộc mạc dễ thương.

“Trò chơi ngày ấy, theo năm tháng buông xuôi/Giờ em quên mất rồi”. Trên đường đời tấp nập, không phải ai cũng lo nhớ về thời xưa như cô gái theo chồng, bỏ cuộc chơi trong bản nhạc tình “Người phu kéo mo cau”. Nhưng tôi vẫn tin, trong góc khuất tâm hồn mỗi người vẫn còn ngăn chứa cho những ký ức ngày xưa để sống đẹp ngày nay...