Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev. Ảnh: Reuters
Tháng 8, Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây với giá trị 9 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, nhiều người đang thúc giục Moscow hành động táo bạo hơn.
Moscow Times đưa ra một số "độc chiêu" từ thực tế tới khác thường Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng để trả đũa phương Tây:
1. Đóng cửa không phận với hàng không phương Tây
Việc này sẽ khiến các hãng hàng không châu Á có lợi thế cạnh tranh hơn với đối thủ phương Tây, thậm chí khiến một số hãng phương Tây gặp khó do phải bay xa hơn, sử dụng nhiều nhiên liệu và lãng phí nhiều giờ bay hơn.
Tuy nhiên, theo doanh nhân người Anh và là chủ sở hữu hãng hàng không Virgin, Richard Branson, động thái này sẽ khiến Nga bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện các hãng hàng không phương Tây phải trả các chi phí khi bay qua lãnh thổ Nga khoảng 300 triệu USD/năm. Và nếu áp dụng chọn lựa này, Kremlin có thể khiến phương Tây có cách đáp trả tương tự, Branson cho biết.
2. Cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
1/3 lượng khí đốt EU tiêu thụ đến từ Nga. Hồi tháng 6, tập đoàn Gazprom của Nga đã đóng nguồn cung cho Ukraina lần thứ ba trong vòng 8 năm.
Nhưng chọn lựa này cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng với Nga. Đầu tiên, sản xuất khí đốt không thể dừng lại hay bắt đầu tùy ý. Thứ hai là doanh thu. Gazprom bán khí đốt cho châu Âu đạt 60-70 tỉ USD năm ngoái. EU là khách hàng chính của họ và cơ sở hạ tầng ống dẫn của Nga tập trung vào việc cung cấp cho thị trường này.
3. Cấm nhập khẩu ô tô từ phương Tây
Trợ lý của ông Putin - Andrei Belousov - đã đề cập việc này ngay sau khi EU tuyên bố áp dụng các biện pháp cấm vận mới.
Nga là thị trường xe hơi lớn nhất của châu Âu sau Đức. ¼ xe hơi và gần nửa số xe tải bán tại Nga trong 7 tháng đầu năm nay được nhập khẩu, phần lớn đến từ Nhật, Anh, Đức, Mỹ và Cộng hòa Séc.
Điều này có vẻ đáng ngại, nhưng các nhà sản xuất ô tô toàn cầu có thể vẫn duy trì sản xuất để cung cấp cho Nga xe hơi ở các nước không bị ảnh hưởng cấm vận. Nga cũng có thể chuyển sang sản xuất trong nước các mẫu xe phương Tây.
4. Cấm nhập khẩu quần áo phương Tây
Đây là lời đe dọa thứ hai của Belousov. Cũng như châu Âu, Nga nhập khẩu phần lớn quần áo và hàng dệt may từ châu Á - hơn 4/5 - nhưng châu Âu vẫn đạt giá trị 2,6 tỉ USD xuất khẩu giày dép và quần áo sang Nga.
Shakhmal Ildarov, đứng đầu hiệp hội công nghiệp dệt may Nga đã thúc giục sử dụng chọn lựa này hồi đầu tháng với lập luận nó sẽ kích thích sản xuất trong nước.
5. Ngừng giúp quân đội Mỹ tiếp cận Afghanistan
Công tác hậu cần trợ giúp quân đội triển khai tại Afghanistan - nằm giữa vùng đất rộng lớn của châu Á với dãy Himalaya hiểm trở, TQ ở phía đông, Pakistan và Iran ở phía nam, hàng loạt nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ phía bắc - là cơn ác mộng với Mỹ.
Khi biên giới Afghanistan - Pakistan bất ổn những năm gần đây, Mỹ trở nên phụ thuộc hơn vào Nga về hành lang cung cấp.
Kể từ năm 2008, Mỹ đã trả cho Nga 1 tỉ USD/năm để vận chuyển trang thiết bị quân sự NATO tiếp cận Afghanistan qua thành phố Ulyanovsk.
6. Ngừng sử dụng đô la Mỹ
Mỹ gặt hái rất lớn khi có tiền tệ trở thành đồng tiền của thế giới và Nga chưa bao giờ vui vẻ với điều đó.
Nga có hơn 400 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và phần lớn trong số đó là USD. Trong tháng 3, khi Moscow sáp nhập Crưm, Ngân hàng trung ương Nga đã bán 100 tỉ USD trái phiếu Mỹ. Điều này cho thấy Nga có thể áp dụng chọn lựa quyết liệt này.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, cũng có thể ngừng việc bán dầu bằng USD dù phải mất thời gian thương thảo hợp đồng. Tuần trước, Nga và TQ đã nhất trí quay lưng lại với đồng đô la và sắp xếp khoảng một nửa giao dịch thương mại của họ bằng đồng rúp hay nhân dân tệ.
Moscow có thể cân nhắc các chọn lựa khác như: đoàn kết với Iran để đối phó với phương Tây; cung cấp vũ khí hiện đại cho đối thủ của phương Tây; giấu kín thông tin tình báo về các mối đe dọa khủng bố; vận động thành lập các tổ chức quốc tế phi phương Tây; nhằm vào các thương hiệu phương Tây đang hoạt động ở Nga; ngừng chương trình hợp tác không gian…