Myanmar nói sẽ ký một thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA), theo đó sẽ công khai tất cả các cơ sở và nguyên liệu hạt nhân hiện có. Việc này có thể giúp Mỹ và các nước phương Tây biết thêm được những hợp tác về quân sự hạt nhân đồn đoán lâu nay giữa Myanmar với CHDCND Triều Tiên.
Viện Khoa học và an ninh quốc tế (ISIS) gọi động thái mới nhất của Myanmar là “một quyết định tích cực đáng chú ý ” sau những thúc đẩy cởi mở về vấn đề hạt nhân và xây dựng niềm tin, tính minh bạch với cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận của Tổng thống Thein Sein cho thấy chính phủ của ông sẵn sàng thực hiện kỹ các cải cách dân chủ vốn đã giúp cải thiện quan hệ với Washington”.
Sau hai thập kỷ bị Mỹ cô lập chính trị, những cải tổ gần đây của TT Thein Sein giúp làm ấm lên quan hệ với Mỹ, nhưng vẫn chưa đủ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nói trong một chuyến thăm hồi tháng 12.2011, rằng quan hệ giữa Mỹ và Myanmar chỉ có thể bình thường hóa nếu “chính quyền tôn trọng sự đồng thuận của quốc tế trong việc chống phổ biến VKHN”.
Thiếu tá Sai khẳng định Myanmar theo đuổi vũ khí hạt nhân |
Vũ khí hóa học?
Thông tin về việc Myanmar sở hữu vũ khí hóa học lần đầu tiên bị xì ra công chúng vào năm 1991, khi Đô đốc Thomas Brooks, giám đốc Tình báo hải quân Mỹ đem vấn đề này ra trước Quốc hội Mỹ, gồm một danh sách các nước bị nghi ngờ sở hữu vũ khí hóa học, trong đó có Myanmar. Năm 2005, nhà báo người Bỉ Thierry Falise đã tiếp xúc với hai quân nhân Myanmar đào ngũ. Họ nói đã nhìn thấy lính pháo binh mang mặt nạ chống độc và găng tay khi bắn các loại pháo, mà họ nghi có chứa vũ khí hóa học.
Trong một bài báo khác cùng năm, Tổ chức Christian Solidarity Worldwide cho biết họ đã tiến hành cứu chữa cho những phiến quân Karen bị quân đội chính phủ tấn công. Các vết thương của những người này “phù hợp với một cuộc tấn công hóa học” nhưng Myanmar phủ nhận. Myanmar đã ký Công ước vũ khí hóa học vào năm 1993 nhưng cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn.
Vũ khí hạt nhân?
TT Thein Sein tiếp đồng nhiệm Mỹ Barack Obama |
Tuy nhiên, cho dù thỏa thuận sẽ được ký, vẫn có những nghi ngờ rằng Myanmar sẽ không công khai hết các cơ sở và dữ liệu hạt nhân. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ - Richard Lugar - lo ngại Naypyidaw sẽ không công bố toàn bộ thông tin liên quan mối quan hệ của họ với Bình Nhưỡng. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) cho biết đã đạt được thỏa thuận xây dựng một trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Myanmar.
Theo Rosatom, trung tâm đặt dưới sự giám sát của IAEA, gồm một nhà máy nước nhẹ 10MW hoạt động trên uranium-235 làm giàu 20%, một phòng thí nghiệm phân tích kích hoạt, phòng thí nghiệm sản xuất chất đồng vị y tế, các cơ sở xử lý và tiêu hủy chất thải hạt nhân. Các nhà chuyên môn cho rằng việc sử dụng uranium làm giàu thấp sẽ không thể dùng cho việc phát triển VKHN. Nhưng thỏa thuận làm dấy lên quan ngại về việc Nga sẵn sàng xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang các nước Mỹ và phương Tây đang cấm vận. Trước đó, Nga cũng có hợp tác hạt nhân với Iran.
Hồi năm 2010, thiếu tá Sai Thein Win của quân đội Myanmar tiết lộ với một đài phát thanh chống chính phủ Myanmar ông ta từng làm việc trong một chương trình tên lửa và hạt nhân của chính quyền. Sai cung cấp nhiều tài liệu, hình ảnh về những thiết bị bên trong nhà máy, cho thấy sự liên quan của CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa ở Myanmar, cũng như chương trình đào tạo kỹ thuật viên hạt nhân của Nga.
Sai đào ngũ sau khi “xì” bí mật chương trình VKHN của nước này. Ông ta là một nhà khoa học tên lửa hàng đầu ở Myanmar nhưng phản quốc, vượt biên ra nước ngoài, đang sống tại một thành phố lớn ở châu Âu, ông ta xin giấu nơi ở vì sợ bị ám sát - theo báo Independent (Anh).
Không “chôm tài liệu”
Sai kể các lãnh đạo cấp cao nỗ lực sở hữu VKHN, nên đã cử 72 kỹ sư qua Nga học hồi năm 2001, với sự chấp thuận của tướng Maung Aye. Sai học về công nghệ tên lửa, nhưng bỏ dở việc lấy bằng tiến sĩ, về nước làm giám đốc sản xuất các linh kiện cho chương trình tên lửa và hạt nhân.
Ông ta đã dự 4 cuộc họp lớn về tham vọng hạt nhân, và các cuộc họp này luôn có sự hiện diện của các tướng lãnh cấp cao, gồm tổng tư lệnh quân đội là tướng Than Shwe. Đã có kế hoạch lập một tiểu đoàn hạt nhân, Sai nói chắc chắn ý tưởng này nhằm xây một lò phản ứng hạt nhân, làm giàu uranium và tạo một quả bom hạt nhân.
Sai nói ông ta được tin cậy và được quyền tiếp cận các tài liệu mật, đã xem các tài liệu chứng minh cho lời khai của ông ta, nhưng ông ta không “chôm” để làm bằng chứng dù có nhiều cơ hội. Sai kể có 3 năm làm việc tại một xí nghiệp ở phía tây Myanmar. Nhưng nhân viên chỉ ngồi không chờ các bản thiết kế, đến tối họ uống rượu và xem tivi. Sai bảo họ tự nhận là nhóm NATO (có nghĩa “chỉ nói không làm” - No Action-Talk Only) và bị lãng phí thời gian. Khi các máy móc hư hỏng, họ không thể tự sửa và phải nhờ một công ty Đức vốn ngỡ các máy móc dùng vào mục đích dân sự.
Myanmar gọi Sai là kẻ đào ngũ-tội phạm. Bộ Ngoại giao Myanmar nói họ không có cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài chính để phát triển VKHN. Nhưng theo tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ bị Wikileaks “xì”, Washington từ nhiều năm nghi ngờ Myanmar có chương trình hạt nhân bí mật do CHDCND Triều Tiên hỗ trợ.
Tài liệu nêu có nhiều nhân chứng báo cáo những hoạt động đáng ngờ từ năm 2004. Một tài liệu của Sứ quán Mỹ ở Myanmar hồi tháng 6.2004, dẫn lời một nguồn tin giấu tên, rằng ông ta đã trông thấy 300 người CHDCND Triều Tiên làm việc tại một địa điểm ngầm. Các công nhân địa phương giúp nhóm này xây một cơ sở ngầm trong một ngọn núi. Những người CHDCND Triều Tiên được cho là lắp ráp các tên lửa không rõ nguồn gốc. Sai còn khai rằng Myanmar có mạng lưới “lô cốt” ngầm và địa đạo bí mật do CHDCND Triều Tiên xây giúp.
Tài liệu khác cũng năm 2004, dẫn lời một doanh nhân nước ngoài đã trông thấy các thanh thép nặng - lớn hơn loại thép dựng nhà máy - được dỡ xuống tại cùng khu vực ở Magway (trung tây Myanmar). Người này gặp một nhân viên sứ quán Mỹ để báo rằng có nghe đồn một lò phản ứng hạt nhân được xây gần thành phố Minbu. Các tài liệu khác nêu có nhiều “kỹ thuật viên” Triều Tiên ở Myanmar.
Tuy không có bằng chứng trực tiếp về sự hợp tác giữa CHDCND Triều Tiên với Myanmar nhưng bà Clinton vào tháng 7.2009 cũng đã cảnh báo khả năng có mối quan hệ hạt nhân giữa hai nước này. Đầu năm 2010, bà cũng cho biết một chuyến tàu từ Bình Nhưỡng chở thiết bị quân sự đến Myanmar. Tháng 6.2009, chiếc tàu thủy Kang Nam 1 của CHDCND Triều bị nghi chở thiết bị quân sự đã bị một chiến hạm Mỹ bám theo khi nó đi Myanmar. Một báo cáo của LHQ cũng nêu CHDCND Triều Tiên cung cấp thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho Myanmar, Iran và Syria.