Với những đóng góp lớn cho sự phát triển của cây dừa, ông Tám Thưởng hai lần được vinh dự nhận giải thưởng Quốc tế: Năm 1999, ông được nhận bằng khen “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam” do Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương trao tặng; năm 2004, ông nhận giải “Tree of Life” (Cây cuộc sống) của Viện Tài nguyên giống cây trồng quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì những vinh danh này mà ông Tám Thưởng lâu nay được dân Bến Tre phong làm… “Vua dừa”.
Tuy nhiên, nếu không có sự kiện “trái dừa lạ” xuất hiện thì có thể nói ông Tám Thưởng khó mà được làm “vua”. “Vua dừa” Tám Thưởng kể, thập niên 90 thế kỷ trước, dừa đột ngột rơi vào cảnh sinh tử khi giá tuột thê thảm. Một số hộ bắt đầu chối bỏ cây dừa. Hàng loạt vườn dừa bị hạ sát thay vào đó là những cây ăn trái khác. Chính ông Tám Thưởng cũng muốn dứt tình với cây dừa 4 đời dòng họ sống chết.
“Nhưng rất may, trong lúc thu hoạch vụ dừa cuối cùng trước khi chuẩn bị đốn vườn dừa trồng cây khác, tui phát hiện dưới kênh có một trái dừa lạ. Cuống dừa có hình giống như một con chim phượng đang gắp trái dừa dang cánh bay đi. Cầm trái dừa trên tay, tui liên tưởng ngay đến một điềm báo tốt đẹp: Rồi đây người trồng dừa Bến Tre sẽ qua thời khốn khó, trái dừa sẽ được bay cao, bay xa! Hiện trái dừa này được ông lồng trong một tủ kính đặt trang trọng trong gian phòng khách như để tri ân.
Đúng là sau đó, trái dừa Bến Tre vượt qua khủng hoảng và bước vào thời hoàng kim. Có thời điểm giá dừa trên thị trường đạt mức kỷ lục. Chẳng biết có phải do điềm ứng tốt đẹp của “trái dừa lạ” trong vườn ông Tám Thưởng hay do tình trạng hạ sát vườn dừa hàng loạt ở Bến Tre đã dẫn đến việc thiếu dừa nên giá trên thị trường tăng kỷ lục.
Năm 1993, ông Thưởng lại gặp may. Ông kể, vào một buổi chiều, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh – giảng viên Trường ĐH KHTN TP.HCM, tìm đến nhà ông cho biết bà vừa mới lai tạo được giống dừa PB121. Đây là giống lai giữa dừa lùn Malaysia và dừa cao Tây Phi cho trái rất sai, khoảng 150 trái/cây/năm và lượng dầu trong dừa khá nhiều. Nếu ông muốn trồng, bà sẽ giao giống. Thế là ông đồng ý ngay và làm theo hướng dẫn của nữ tiến sĩ. Thấy ông nhiệt tình với giống dừa mới, Viện này còn “gởi” ông trồng thử nghiệm 60 cây dừa dứa… “Vua dừa” Tám Thưởng nhờ vụ làm ăn này như có thêm một bệ đỡ để ông bước lên làm… “vua”.
Giờ vườn dừa rộng 2,5ha của “Vua dừa” Tám Thưởng thành bộ sưu tập với hơn 20 giống dừa. Ông Tám Thưởng chia thành 2 nhóm: Nhóm lấy dầu có dừa ta xanh, dừa ta đỏ, dừa ta vàng, dừa dung, dừa dâu xanh; dừa lai BP 121, JVA 1, JVA 2. Nhóm lấy nước giải khát là dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, tam quan, dừa sọc, dừa núm xanh, núm đỏ, ẻo xanh, dừa dứa… Vườn dừa nhà ông Tám Thưởng nhiều năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc của sinh viên ngành nông nghiệp, nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đến nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm…
Nếu như trước đây “trái dừa lạ” đã cứu ông Tám Thưởng “một bàn thua trông thấy” và thậm chí nhờ đó mà đưa ông lên làm “Vua dừa” thì hiện nay ông Tám lại trông chờ vào một phép màu mới để có thể đưa ông lên làm… “Vua gà”.
Hôm tôi đến, ông Tám dẫn tôi đến trước bàn thờ gia tiên trong nhà rồi đưa tay bê trái bưởi đang cúng xuống. “Chú em nhìn kỹ xem, phải cuống trái bưởi có hình cái mồng gà không?”, ông nói. Quả thật, trên cuống trái bưởi có cái “mồng gà” sần sùi, to như của một con gà trống thật. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì “Vua dừa” cười vui: “Trái bưởi này tui hái trong vườn nhà đó. Tui nghĩ, điềm ứng tốt đẹp như trái dừa lạ trước đây nữa rồi.
Chú em coi, tui mới nuôi lứa gà Đông Tảo thì trên cây bưởi trong vườn cũng xuất hiện trái bưởi lạ này. Lạ chưa! Sắp tới chắc phải trúng đậm vụ gà Đông Tảo”. Đến “Vua” mà còn mê tín thế này thì chịu! Ông thắng và làm “Vua dừa” là do kinh nghiệm trồng dừa 4 đời, cần mẫn và chịu khó học hỏi. Còn vụ gà Đông Tảo nếu ông Tám lại thắng là do thị trường hiện nay khá chuộng loại thịt gà này. Chuyện “trái dừa lạ” hay “trái bưởi lạ” chỉ là ngẫu nhiên.
Nghĩ đến đấy tôi vội kéo ông về công việc hiện thực: Phủ xanh Trường Sa.