Giữa lúc đó, ở phía Bắc, hai mươi vạn quân của Tưởng Giới Thạch, với danh nghĩa quân “Đồng minh” kéo vào để tước khí giới quân đội Nhật. Đội quân ô hợp và đói rách này không những chỉ tạo thêm cho nhân dân ta gánh nặng khó khăn về kinh tế và xã hội, mà còn gây bao nhiêu rối rắm về chính trị. Chúng dung dưỡng, tiếp sức cho các đảng phái phản động hoạt động gây rối, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng mới vừa giành Độc lập.
Ở phía Nam, quân đội Anh cũng nhân danh Đồng minh, kéo vào để tước vũ khí quân Nhật, nhưng kỳ thực là đã thỏa thuận với bọn tướng lĩnh Nhật, thả hàng vạn tên tù binh Pháp (do chúng giam giữ trước), lén lút trang bị vũ khí cho bọn này để âm mưu cướp lại nước ta.
Quân Pháp bắt đầu nổ súng đánh chiếm các công sở ở Sài Gòn (rồi toàn Nam Bộ) ngay đêm 22.9.1945. Tức khắc khuya đêm ấy, bên cạnh lực lượng tự vệ vũ trang được trang bị thô sơ, chủ yếu là giáo mác và tầm vông vạt nhọn, hàng vạn thanh niên, học sinh, lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường, các công sự do nhân dân ta đắp nên trong những ngày đầu kháng chiến để chiến đấu, cướp súng địch đánh địch, lập chướng ngại vật, bao vây cắt đường giao thông... ngay trên các tuyến đường trung tâm thành phố.
Thế là đồng bào Nam Bộ lại phải đứng lên trong bao thiếu thốn, gian khổ để đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Theo “Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định, ngay trong đêm 22 rạng sáng 23.9.1945 tại trung tâm Sài Gòn, những nơi quân Pháp nổ súng đánh chiếm, đều bị quân dân Sài Gòn chống trả quyết liệt và tổ chức vây hãm quân Pháp ngay trong nội thành.
Sáng sớm 23.9, Xứ ủy, Ủy ban hành chính Nam Bộ (sau đổi là Ủy ban Kháng chiến, rồi Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ) triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5). Tham dự cuộc họp có các ông: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... và Hoàng Quốc Việt ( đại diện thay mặt Trung ương Đảng và tổng bộ Việt Minh). Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Hôm ấy, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ vừa được thành lập thì ban hành ngay Lệnh kháng chiến, và phát Lời kêu gọi:
Đồng bào Nam Bộ/ Nhân dân thành phố Sài Gòn,
Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!
Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2/9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Độc lập hay là chết!
Hôm nay
Ủy ban kháng chiến kêu gọi tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...
(Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945 - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ).
Hưởng ứng Lời kêu gọi, các tầng lớp nhân dân toàn Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy. Các đơn vị thanh niên tiền phong, công đoàn xung phong, tự vệ đã nhanh chóng phối hợp cùng với những đơn vị cộng hòa vệ binh triển khai lực lượng, dựng chướng ngại vật và công sự chiến đấu trên các đường phố nhằm cản bước tiến của giặc.
Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và Pháp đã diễn ra ở cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y...Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược.
Nam Bộ kháng chiến
Vậy là ngay những ngày đầu quân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược.
Ngày 26 tháng 9.1945, tức chỉ ba ngày sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi bức thư đầu tiên vào Nam kêu gọi quân và dân Nam Bộ anh dũng đứng lên, kiên quyết kháng chiến để đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp:
Hỡi đồng bào Nam Bộ!
Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn, nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai lại mò đến. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta 2 lần, nay họ lại muốn thống trị dân ta một lần nữa.
Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời oanh liệt của một nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ".
Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa.
Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng bào Nam Bộ muôn năm!
(Ngày 26 tháng 9 năm 1945 - Hồ Chí Minh).
Người cũng không quên căn dặn đồng bào Nam Bộ phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối xử khoan hồng đối với tù binh Pháp. “Phải làm cho thế giới, trước hết cho người dân Pháp, biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”.
Một tuần sau
Ngày 23 tháng 9.1945, nhân dân ta ở Sài Gòn, Chợ Lớn được tổ chức thành 4 phòng tuyến chặn địch: Mặt trận tiền tuyến miền Đông kéo dài từ cầu Thị Nghè qua Cầu Bông, Cầu Kiệu, Cầu Marc Mahon; Mặt trận phía Bắc – Tây Bắc chặn địch hướng Tham Lương, Hóc Môn; Mặt trận tiền tuyến miền Tây chặn địch hướng Cầu Tre, Phú Lâm, Bình Điền; Mặt trận phía Nam từ Bình Đăng kéo dài tới Thủ Thiêm (nay là quận 2).
Những trận đánh đẫm máu diễn ra tại các khu phố, trước tiên là ở các khu phố trung tâm có nhiều sở và nhà Tây, song nổi tiếng nhất là các trận đánh ở các cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, rồi xa hơn một chút, cầu Tân Thuận, cầu Chữ Y, cầu Tham Lương, cầu Đồn v.v. Quân Pháp không ngờ được là quân và dân ta kháng chiến mãnh liệt như thế, phá hoại các cơ sở Pháp nhiều như thế, cho nên, nhằm mục đích chờ đại quân tới, Pháp và Anh yêu cầu đình chiến và nối lại thương thuyết – một cuộc thương thuyết mà cả hai bên đều biết trước là chẳng có kết quả gì!
Một tháng sau
Ngày 23 tháng 10.1945, Bác Hồ lại gửi cho đồng bào Nam Bộ một lá thư thứ hai, trong đó có đoạn:
"Quân Pháp nấp dưới bóng quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy tinh thần hy sinh chiến đấu... Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng. Ngày nay, trước tình hình khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo dõi cuộc chiến đấu ở Nam Bộ...".
Ngày 24 tháng 10.1945, sau khi có viện binh từ châu Âu và châu Phi đưa sang, giặc Pháp mở đợt tấn công ra phía bắc, đánh chiếm Thủ Dầu Một, rồi Biên Hòa. Ở phía nam, chúng đánh chiếm Tân An, Gò Công, Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây.
Ngày 25 tháng 10.1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập một cuộc hội nghị khẩn cấp tại Thiên Hộ (Mỹ Tho) để kiểm điểm rút kinh nghiệm, uốn nắn những thiếu sót về tổ chức chiến đấu chống giặc sau hơn một tháng trời. Cuộc họp đã đi đến quyết định đường lối kháng chiến và lấy du kích chiến làm chính, đặt lực lượng võ trang của từng tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng địa phương.
Một năm sau - năm 1946
- Tháng 1.1946, quân Pháp đánh chiếm Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
- Ngày 5 tháng 2.1946, Anh – Pháp tiến vào đất mũi Cà Mau.
- Tháng 3.1946, quân Anh rút khỏi nơi đây để lại cho quân Pháp.
Ngay từ những ngày đầu năm 1946, sau khi dự lớp huấn luyện Quách Văn Cự (?), Tạ Thanh Sơn trở lại đội tuyên truyền Bộ Tư lệnh Khu 8, công tác tại Ty Thông tin tuyên truyền Sa Đéc đóng ở Kinh 4 – Đồng Tháp Mười, với tâm trạng dồn nén bao ý nghĩ xót xa, da diết với số phận đất nước lâm nguy, giặc xâm lăng đang giày xéo, tàn phá quê hương. Người chiến sĩ – nhạc sĩ nghiệp dư ấy đã hoàn chỉnh xong bài hát “Nam Bộ kháng chiến” tại làng Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) khi ông vừa độ tuổi 25. Tác phẩm được viết như một ký sự về âm nhạc bằng điệu Thứ, nhịp hành khúc rộn ràng. Câu “Mùa Thu rồi ngày hăm ba…” như một tuyên bố rằng, mùa Thu năm vừa qua đã ghi dấu ngày khởi đầu của Nam bộ kháng chiến:
Mùa Thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền.
Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà đoàn người giàu lòng vì nước.
Nóp với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân trai nào kém oai hùng.
Cờ thắm tung bay ngang trời/ Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền
Một lòng nguyện với tổ tiên/ Thề quyết chống quân ngoại xâm!
Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào/ Người dân Việt lắm chí cao.
Thề quyết chống quân gian tham!...
Chân dung nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn (ảnh tư liệu)
Có người Nam Bộ yêu nước nào khi nghe hành khúc Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn mà đôi chân không muốn bước theo nhịp hát? Thế là lớp lớp thanh niên đã đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Đẹp và hào hùng xiết bao thế hệ trẻ năm 1945! Họ đã tìm được hướng đi và lối thoát cho một thế hệ ưu tư thời thế nhưng cứ nổi trôi như "con thuyền không bến"! “Nóp với giáo mang ngang vai”, họ đã “cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng” để “xây giang san hạnh phúc muôn đời”. Và biết bao người không về lại được với quê hương…!
Cứ mỗi độ thu sang, thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau, trong niềm tự hào dân tộc, chúng ta không thể không ngậm ngùi tiếc thương lớp lớp cha anh đã anh dũng xông pha trên khắp các chiến trường, với thái độ chẳng một chút đắn đo để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc!
Và, như chúng ta đều biết, sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, quân Pháp đành phải hạ gối đầu hàng, cuốn cờ về nước…
Từ hào khí “Mùa Thu rồi ngày hăm ba”…, Nam Bộ đã vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu vô cùng vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”!