Dân Việt

Lễ Dolta biết ơn người đã khuất của người Khơ me Nam Bộ

Nguyễn Hữu Hiệp 22/09/2014 20:00 GMT+7
Trước ngày làm lễ khoảng nửa tháng, bà con đã có sự chuẩn bị các thứ rất chu đáo, họ luôn giữ nghiêm hai giới luật là không trộm cắp, không tà dâm; cho đến những ngày chính lễ họ kiêng thêm 3 giới nữa là không sát sinh, không nói láo và không uống rượu.

Do đặc điểm sinh hoạt, người Khơ me Nam Bộ ở An Giang thích sống vùng cao hơn đồng bằng hoặc cù lao, nên họ rút dần về miền núi. Bà con có cuộc sống rất bình dị, đơn giản, nhưng trong nếp nghĩ lại rất giàu hình tượng.

Chung nhất, họ dành tình cảm rất đặc biệt đối với những người quá cố để nhằm biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với tổ tiên và công lao những người đã khuất. Nhưng họ không làm lễ giỗ kỷ niệm ngày mất của từng người mà thống nhất tổ chức một lễ lớn, gọi là lễ Dolta, hay Sen-Dolta.


Lễ bắt nguồn từ truyền thuyết Phật giáo: Ngày xửa ngày xưa, một hôm vào lúc nửa đêm, vua Binhsara nghe tiếng kêu gào dữ dội của quỷ. Sợ quá, nhà vua bèn ra lệnh bắt 100 đàn ông, 100 đàn bà, và 100 gia súc đem chém để tế quỷ. Kịp vào lúc ấy, Hoàng hậu nghe biết được, liền can ngăn, khuyên vua đến gặp Đức Phật rồi hãy tế lễ.

Sau khi nghe vua Binhsara trình bày, Đức Phật cho biết, đó là nghiệp quả do nhà vua đã gieo từ nhiều tiền kiếp, và khuyên hãy thả tất cả những người và gia súc ra, hãy làm việc thiện để lấy phước. Từ câu chuyện kể trên, người Khơ me tổ chức lễ Dolta, ứng vào thời điểm kết thúc vụ mùa sản xuất trong năm – rước nước về đồng.

img  
Trước đó khoảng nửa tháng bà con đã có sự chuẩn bị các thứ rất chu đáo, cả đến thân tâm mình, ngay đối với các Phật tử cư sĩ tại gia, họ luôn giữ nghiêm hai giới luật là không trộm cắp, không tà dâm; cho đến những ngày chính lễ họ kiêng thêm 3 giới nữa là không sát sinh, không nói láo và không uống rượu. Đối với các sư sãi, Dolta còn mang thêm ý nghĩa cầu nguyện xá tội vong nhân (gọi Phchumben – như rằm tháng Bẩy của ta), nên không ai được đi xa chùa mình đang tu, mà phải ở tại chùa để thường xuyên tụng niệm, cầu siêu cho người quá cố, và cầu an cho người sống.

Nguyên ý của ngày này là “cúng ông bà”, tuy nhiên Dolta còn bao hàm cả sự nhớ tưởng đến công ơn trời biển của các đấng sanh thành, và tỏ lòng thương yêu, tương trợ họ hàng quyến thuộc. Cũng là dịp thi ân tạo phước dưới các hình thức giúp đỡ người khốn khó trong phum sốc, cũng không quên quan tâm tặng quà cho các cháu thiếu nhi.

Trong những ngày lễ Dolta mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian này, mỗi gia đình lo lau dọn bàn thờ tổ tiên (nếu có – do quá trình giao thoa văn hóa Việt), chưng bày hoa quả, nhang đèn và dâng cúng cơm canh, rồi mời họ hàng cùng cúng vái ba lượt, mỗi lượt đều có trà nước thành khẩn mời linh hồn người chết về ăn uống. Đoạn gắp một ít thức ăn để vào “chén lá” đem đặt dưới các gốc cây ngoài sân, dưới bến hoặc ngã ba đường đặng đãi “cô hồn” không nơi nương tựa – là những kẻ có công dẫn dắt linh hồn ông bà lụm cụm về nhà sum họp với con cháu, và cũng không quên nhờ họ khi xong lễ lại đưa ông bà về nơi cũ. Bà con hiểu, những cô hồn này rất biết thân phận mình, không bao giờ dám lên mâm ngồi ăn chung với các cụ, nên mới làm như thế.

Xong, kính thỉnh ông bà lên nằm nghỉ trên một chiếc giường đã được thay chiếu gối, mùng mền tươm tất.

Chiều, lại cúng cơm một lần nữa, rồi mời ông bà đi nghe các sư thuyết pháp ở chùa. Cứ ở đó chơi, xem trình diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, cùng là những hình thức giải trí lành mạnh khác.
img  
Sáng ngày thứ nhì, con cháu đến chùa rước ông bà về nhà, cũng đãi đằng trọng hậu. Đồng thời tha thiết mời ông bà ở nán lại chơi với con cháu thêm một bữa nữa.

Đến ngày thứ ba, cũng cúng cơm canh như trước. Lần này người ta lấy một ít thức ăn để vào chiếc thuyền con làm bằng mo cau hoặc bẹ chuối, rồi thả xuống sông rạch, hiểu là đem theo cho ông bà ăn dọc đường.

Đây chính là một trong những nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của người Khơ me Nam Bộ vậy.