Dân Việt

Báo cáo của ADB: ASEAN có thể giúp tránh sốc giá gạo

31/08/2012 09:25 GMT+7
(Dân Việt) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại VN cho biết, hạn chế thương mại tại khu vực ASEAN đang đẩy giá gạo thế giới tăng 149%.

Đây là thông tin được đưa ra trước thềm hội nghị quốc tế về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội ngày 30.8.

ADB nhận định, các quốc gia ASEAN có thể giúp tránh những cú sốc về giá gạo thế giới bằng cách giảm hạn chế xuất khẩu, đặt tầm quan trọng ít hơn vào vấn đề tự cung tự cấp, rà soát lại chương trình cam kết gạo của Thái Lan, và phát triển chính sách điều phối gạo với Ấn Độ và Pakistan.

img
Nông dân Thái Lan đi đầu trong các hoạt động sản xuất gạo.

Lourdes Adriano -Trưởng nhóm công tác về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Phát triển nông thôn thuộc Vụ Phát triển Khu vực bền vững của ADB cho biết: “Cho đến nay, thị trường gạo có vẻ vẫn giữ được sự ổn định và hiện tại ước tính sản xuất cho thấy rằng giá tổng thể sẽ vẫn ổn định, đây là tin tốt sau một thời gian lo lắng về vấn đề thị trường ngô, lúa mì và đậu tương toàn cầu. Để nâng cao khả năng phục hồi và đảm bảo rằng giá gạo không tăng quá mức để người nghèo trong khu vực có thể chấp nhận được, các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ và hành động ở tầm khu vực”. Các báo cáo được xuất bản gần đây bên ngoài Diễn đàn Thương mại gạo ASEAN tổ chức bởi Ủy ban Dự trữ an ninh Lương thực ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và ADB, cho thấy hạn chế thương mại khu vực đẩy giá gạo thế giới tăng 149%.

Thay vào đó, các báo cáo này còn đề xuất rằng những nước nhập khẩu gạo nên giảm mục tiêu tự cung tự cấp để đổi lấy cam kết từ những nước xuất khẩu, tránh xa việc hạn chế xuất khẩu đơn phương. Các nước nhập khẩu sẽ cảm thấy ít nhu cầu hơn về tự bảo hiểm trước những gián đoạn thương mại và các nước xuất khẩu có thể có được những thị trường mới.

Theo ADB, những nước xuất khẩu hàng đầu, như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, cũng có thể thiết lập trao đổi hàng hóa trong nước, cho phép nông dân có được mức giá tốt hơn nhờ việc bán trực tiếp các loại gạo phổ biến nhất ở địa phương ra thị trường hơn là thông qua trung gian.

Giả sử điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện vĩ mô vẫn vậy, sản lượng gạo ở các nước ASEAN dự đoán sẽ tăng 1,37% mỗi năm, từ 110,5 triệu tấn năm 2010-2011 lên 128,3 triệu tấn năm 2021-2022. Sản lượng thu hoạch sẽ tăng 1,22% hàng năm trong khi diện tích thu hoạch ở khu vực sẽ tăng thêm 0,15% lên gần 47 triệu hecta vào năm 2022.

Thái Lan theo dự đoán sẽ trở thành nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới, tuy nhiên ADB lưu ý rằng chương trình cam kết gạo của Thái Lan đảm bảo rằng nông dân sẽ nhận được nhiều hơn giá thị trường cho lúa gạo của mình, đã khiến cho các công ty xuất khẩu của Thái Lan nản lòng, dẫn đến việc thua thiệt liên tục trong tổng thu nhập từ xuất khẩu gạo từ cuối năm 2011. Tính đến 28.5.2012, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 43,1% tương đương với 2,86 triệu tấn.