Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu xây dựng gói tín dụng cho cán bộ công chức, viên chức... có thu nhập khá vay mua chung cư cao cấp, nhà liền kề với mức vay dự kiến tối đa đến 2 tỉ đồng, lãi suất cho vay dao động 6-7,5%/năm, thời hạn vay tối đa là 10 năm khiến không ít cán bộ viên chức đang hưởng mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng khấp khởi mừng thầm, nghĩ tới cơ hội được sở hữu căn nhà mơ ước chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với nhiều chuyên gia ngành ngân hàng, thì dư luận chung lại khá e dè, thậm chí nghi ngờ tính khả thi.
Ảnh minh họa ( Nguồn: internet)
Thứ nhất, một chuyên gia xin được giấu tên phân tích, đây mới chỉ là dự thảo của NHNN trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến, còn có được chấp thuận và chấp thuận ngay hay không thì còn phải chờ. Thứ hai, bản thân người trong cuộc là các NHTM, khi được hỏi có dám cho vay với lãi suất ổn định từ 6-7,5%/năm với thời hạn vay lên tới 10 năm hay không thì đa số là lắc, nếu không được NHNN bù lãi suất cho vay do rủi ro biến động lãi suất đầu vào quá cao.
Thậm chí, TS Lê Thẩm Dương trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây còn khẳng định, nếu gói hỗ trợ này áp dụng mức lãi suất cố định như đã công bố thì gần như bất khả thi vì các NH chỉ có thể tính toán và dự báo được biến động lãi suất trong một thời gian nhất định, khó có thể dự báo trong một khoảng thời gian đến 10 năm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa đạt tính ổn định trong một thời gian dài, do vậy các NH khó có thể tính toán được các rủi ro để áp lãi suất cố định này bằng nguồn vốn kinh doanh của mình.
Nhìn lại thời gian vừa qua, gói tín dụng 30.000 tỉ hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, khi ra đời được kỳ vọng rất lớn, nhưng đi vào thực tế tính đến hết tháng 8.2014, mới chỉ giải ngân được hơn 10%, tức là hơn 3.000 tỉ đồng, với hơn 7.000 hộ gia đình, cá nhân vay gần 2.000 tỉ đồng và 19 dự án với tổng dư nợ trên 1.000 tỉ đồng. Con số thực hiện sau gần 2 năm triển khai như vậy là quá ít ỏi. Các lý do được đưa ra là do nguồn cung nhà ở xã hội chưa thật sự nhiều, kéo theo việc giải ngân cho các cá nhân, hộ gia đình cũng chưa thật sự cao.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, ai cũng biết, vô số rào cản được các NHTM đưa ra nếu muốn tiếp cận gói tín dụng này đã khiến người dân nản chí. Đến nay, trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan liên quan liên tục đưa ra các văn bản, giải pháp để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng này như mở rộng đối tượng cho vay; thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ thủ tục ký hợp đồng và giải ngân gói tín dụng cho các dự án… Song vấn đề phải thấy ở đây là gói 30.000 tỉ không phải là gói cho vay chính sách. Các NHTM sẽ phải trả giá bằng nợ khó đòi, nợ xấu nếu sơ hở trong các khâu tiếp nhận đầu vào.
Và với đề xuất cho cán bộ viên chức vay đến 2 tỉ mua nhà này cũng thế, nó chỉ có thể khả thi khi được các NHTM đồng thuận mà không nhận một sự áp đặt nào. Có vậy may ra mới thành công!