Không ngửi mùi tanh là… buồn
Một buổi trưa giữa tháng 9, tôi ghé vào một lò hấp cá nằm cạnh cảng cá Quy Nhơn thuộc phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn, Bình Định) để tìm hiểu công việc của những người thợ ở đây. Thật lòng mà nói, vừa bước vào lò hấp, tôi đã muốn “dội” ra ngay vì cái không gian ngột ngạt và ngập ngụa mùi tanh này.
Công việc ở lò hấp chỉ cánh mày râu đủ sức đảm đương
Gian nhà chỉ chừng 30-40 m2 chứa chật ních nào là cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa, mực… rồi những nồi hấp to đùng được đặt trên những bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. Chỉ chút không gian chật chội mà ngoài nắng, trong nóng, lại nồng nặc mùi tanh nhưng 10 người thợ cả nam lẫn nữ vẫn vui vẻ lao động.
Một chị đang ngồi làm ruột những con cá ngừ sọc dưa, có vẻ là người hay chuyện nhất, nói vui: “Anh vậy là giỏi lắm rồi, không phải người trong nghề mà trụ nổi trong lò hấp với gương mặt tỉnh bơ như vậy là ít ai làm được. Trước đây, cũng có mấy anh nhiếp ảnh vào chụp hình, anh nào anh nấy mặt mày tái xanh”.
“Sợ gì mùi tanh, tôi đã từng theo ngư dân ra biển đánh bắt cá ngừ sọc dưa, sống chung với mùi này gần cả tháng nên quen rồi”, tôi nói chắc nịch.
Câu trả lời của tôi có vẻ làm “trơn” câu chuyện, nên những người thợ trong lò hấp cá đều vui vẻ tiếp chuyện rôm rả. Nhiều chị cho biết mình không phải là dân biển giả, ở tận các làng quê thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định), nhưng vì thất nghiệp nên theo lời giới thiệu của người quen, xuống đây gia nhập đội thợ làm việc trong những lò hấp cá.
Không gian chật chội của những lò hấp cá
Chị Thanh, quê ở xã Phước An (Tuy Phước), cho biết: “Mỗi sáng tui phải thức dậy từ 2 giờ sáng, ăn miếng cơm nguội rồi giong xe hơn 10 cây số xuống đây làm việc. Mới đầu vô làm tui cứ nôn ọe miết vì không chịu nổi mùi tanh. Vì mưu sinh, tui phải chịu đựng, lâu dần thành quen. Bây giờ, ngày nào không ngửi thấy mùi tanh là buồn, vì ngày ấy không có tiền”.
Công việc ở các lò hấp cá không nặng, nhưng liền tay. Phụ nữ thì mổ bụng cá làm ruột, cắt lát cho vào sọt tre…, các đấng mày râu thì phụ trách những công đoạn nặng nhọc hơn như vận chuyển cá vào lò, đưa cá vào nồi hấp.
Anh Nguyễn Văn Tiến (49 tuổi) ở tận xã Phước An (Tuy Phước) xuống Quy Nhơn làm thợ hấp cá bộc bạch: “Công đoạn hấp cá phải đứng bên lò lửa suốt ngày, ngoài trời lại nóng bức nên phụ nữ chịu không nổi, chỉ đàn ông mới cáng đáng được công việc này. Tui làm đã quen tay rồi nhưng nhiều khi cũng bị nước sôi làm bỏng cả chân tay, mình mẩy”.
Cảng cá Quy Nhơn (TP. Quy Nhơn, Bình Định) được xem như một chợ đầu mối cung ứng hải sản cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Là một vựa cá lớn nên ở đây thu hút hàng trăm lao động mỗi ngày với nhiều công việc khác nhau như: bốc vác, rửa cá, phân loại cá… trong đó có những người thợ làm việc trong những lò hấp cá. Ngày làm việc của những lò hấp cá ở đây thường bắt đầu từ 1 giờ sáng mỗi ngày.
Khi những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận cập vào cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm là không khí làm việc ở những lò hấp cá bắt đầu nhộn nhịp. Chủ của hơn 15 lò hấp cá ở đây lập tức tiếp cận các tàu cá để mua cá, mực về hấp sau đó cung ứng cho các thị trường, nhất là các tỉnh Tây Nguyên vì đây là khu vực không có biển nên có nhu cầu tiêu thụ hải sản cao.
Mỗi ngày, một lò hấp cá có thể làm đến 2 tấn sản phẩm gồm các loại cá cơm, cá nục, cá ngừ sọc dưa và mực ống.
Chồng bỏ, chồng chê
Trong tất cả các công việc phổ thông phụ nữ có thể tham gia, có lẽ công việc làm trong các lò hấp cá là khắc nghiệt nhất.
Không gian làm việc chật chội, không hề gì, gắng thu xếp là ổn! Làm việc liền tay suốt cả ngày trong không khí nóng bức vì cận kề bên cạnh những lò lửa, cũng không hề gì, bởi phụ nữ thường dẻo dai và có sức chịu đựng bền bỉ! Thế nhưng mùi tanh tưởi của cá ướp vào người cả ngày mới là nỗi lo sợ nhất của những phụ nữ làm việc trong các lò hấp cá.
Mùi tanh cá ngấm vào những người phụ nữ làm trong lò hấp suốt ngày này sang ngày khác
Khi câu chuyện giữa chúng tôi đến lúc thân thiết, đan xen giữa những câu chuyện về công việc, các phụ nữ ở lò hấp cá điểm xuyết vào vài câu chuyện có chút riêng tư. Các chị nói rất vô tư, nửa đùa nửa thật, nhưng ai nghe cũng phải nhói lòng.
“Làm nghề của tụi tui, nhiều chị đã có chồng con đàng hoàng, sau một thời gian dài làm việc, mùi tanh của cá ướp sâu vào da thịt đến nỗi ông chồng không chịu nổi nữa, nhưng không nói ra, vì nghề của vợ làm đang kiếm được tiền cáng đáng chi tiêu của gia đình.
“Hấp cá là nghề truyền thống của một số hộ ở khu vực gần cảng cá, trước đây họ tập trung làm ở khu nhà rầm ven biển. Sau khi giải tỏa khu nhà rầm để xây dựng đường Xuân Diệu, phường đã tập trung các lò hấp cá vào hoạt động tại chợ cá Hải Cảng nhằm tạo điều kiện cho bà con tiếp tục SX kinh doanh, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn).
Càng ngày, mùi tanh của cá trên người vợ đẩy ông chồng xa dần, kết cục có nhiều chị phải lâm cảnh chồng bỏ, chồng chê”, chị Hải bộc bạch.
Cô gái trẻ tên Hương (ở phường Đống Đa), mới chỉ 26 tuổi nhưng cũng đã có 12 năm mài miệt ở các lò hấp cá trút lòng: “Gia đình khó khăn nên em không được học hành nhiều. Năm mới 14 tuổi, em phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Thấy nghề hấp cá này tuy vất vả, nhưng chẳng đòi hỏi bằng cấp, kiến thức gì, chỉ cần chịu khó, chịu khổ là làm được nên em vào làm.
Nhiều khi theo yêu cầu bức bách của khách hàng phải có sản phẩm sớm, chủ lò cho chị em làm đến 2-3 giờ sáng.
Em còn trẻ nên cũng lo ngại cái “mùi nghề” của mình ảnh hưởng đến cuộc sống. Nên sau khi đi làm về, em tắm rửa sạch sẽ rồi xịt một tí nước hoa lên người cho giảm bớt mùi tanh, nhưng cái mùi cá khắc nghiệt lắm, xịt nước hoa vào nó lại biến thành cái mùi khó chịu hơn. Đau lòng lắm nhưng vì miếng cơm manh áo, em đành phải chấp nhận”.
Vất vả nhưng thu nhập của những phụ nữ làm trong các lò hấp cá chẳng được là bao. Chị Trần Thị Bích Nhân ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) mới chỉ 35 tuổi nhưng đã có thâm niên 15 năm làm nghề ở lò hấp cá.
Công việc của chị là ngồi xếp những miếng cá vào một giỏ tre để chuẩn bị chuyển qua công đoạn đưa vào lò hấp, cho biết: “Ở đây làm ăn theo sản phẩm. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, nên tụi tui ai nấy đều tranh thủ đi làm thật sớm để kiếm được nhiều tiền trang trải cuộc sống”.
Nói “nhiều” là vậy, nhưng theo chị Nhân, mỗi ngày làm việc từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, ngày công cao nhất của những phụ nữ làm trong các lò hấp cá chưa bao giờ vượt quá 200.000đ/ngày.