Dân Việt

Tranh kiếng và ký ức tuổi thơ tôi

Trần Hữu Hiệp 25/09/2014 14:19 GMT+7
Không như trẻ con bây giờ sớm được nghe nhìn nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, lứa chúng tôi lớn lên thời chiến tranh, thiếu thốn mọi bề. Cùng với nhiều mẩu chuyện đời xưa của ông già quê thường kể cho con nít nghe, tôi rất thích những bộ truyện bằng tranh kiếng 4 tấm như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa…

Càng thích hơn, khi vào ngày rằm hay dịp đầu năm, được theo má tôi viếng chùa, cúng Phật. Trong ngôi chùa cổ ở xóm tôi có nhiều bộ tranh kiếng Phật giáo, hình Phật tổ, Bồ tát, ông Thiện – ông Ác, hay cảnh thiên đàng, địa ngục là cõi đi về của người hiền.

Má tôi, một phụ nữ miền Tây Nam Bộ chân quê, không biết chữ, không biết dạy con bằng danh ngôn, triết lý. Nhưng bà biết nhiều chuyện đời xưa và thuộc nhiều ca dao, hò vè từ ngoại tôi truyền lại. Những tấm tranh kiếng nhà quê thành hình ảnh trực quan minh họa sinh động những mẩu chuyện đời xưa, câu ca dao của má, theo tôi suốt những chặng đường đời.

Lớn lên, tôi mới biết cái độc đáo của tranh kiếng. Năm 2013, một cuộc triển lãm về loại hình mỹ thuật độc đáo này được tổ chức tại chùa Xá Lợi, quận 3, TP.HCM. Điểm lạ của tranh kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kiếng giống như khắc tranh mộc bản. Tranh được vẽ bằng mực tàu, sơn màu đa sắc, tráng thủy hay cẩn ốc xà cừ. Nghe nói loại tranh này đã có tại cung điện nhà Nguyễn thời Minh Mạng, Thiệu Trị.

Nhưng có người nói, tranh kiếng theo chân những di dân người Hoa du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XX, hợp với tài hoa của các nghệ nhân Việt, Khmer, hình thành các dòng tranh kiếng nổi danh Nam Bộ. Tôi chẳng rõ, nhưng nhớ ngày xưa ở quê, thỉnh thoảng thấy mấy ông lái tranh chạy xe đạp thồ hay chở ghe hàng bán dạo tranh kiếng. Nghe nói, những bộ truyện tranh này bôn ba tứ xứ từ các làng nghề miệt An Giang chở xuống, Gò Công, Cai Lậy chở qua hay xa hơn, tận trên Lái Thiêu, Chợ Lớn. Những hình ảnh từ tranh kiếng nhà quê như những nét vẽ vào ký ức tuổi thơ tôi về những bài học làm người; chân phương, bình dị như những mẩu chuyện đời xưa hay tiểu thuyết truyền miệng của văn hào Nam Bộ Hồ Biểu Chánh.

Do nhiều nguyên nhân, nghề vẽ tranh kiếng mai một, những tấm tranh kiếng từng hiện diện trong nhiều gia đình Nam Bộ gần như bị lãng quên. Nhớ tranh kiếng là nhớ đến một nghề truyền thống độc đáo, là nét đẹp văn hóa một thời hưng thịnh. Với tôi, tranh kiếng còn là ký ức tuổi thơ và những bài học làm người.