Dân Việt

Đưa “ông hoàng” họ đậu lên núi

Linh Chi 25/09/2014 06:59 GMT+7
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa vùng cao phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia   tổ chức tại Hà Giang ngày 23.9, nhiều ý kiến cho rằng khu vực miền núi phía Bắc nên tập trung phát triển cây đậu tương hàng hóa.

Cần nhân rộng diện tích

TS Trần Văn Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đậu tương là cây thực phẩm quan trọng cơ cấu cây trồng nông nghiệp nước ta, đặc biệt là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng và diện tích có xu hướng giảm. Năm 2011, diện tích gieo trồng cả nước là 181.100ha với sản lượng đạt 266.900 tấn thì năm 2013 diện tích chỉ còn 117.800ha với sản lượng còn 168.400 tấn.

Theo ông Khởi, năng suất thấp, sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến giá thành cao là nguyên nhân chính dẫn tới việc sản xuất đậu tương gặp khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đậu tương nội địa ngày càng lớn, khiến hàng năm nước ta phải nhập trên 1 triệu tấn đậu tương. Hiện vùng trung du miền núi phía Bắc có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 1,33 triệu ha đất canh tác sẽ là hướng đầu tư mở rộng diện tích sản xuất đậu tương phù hợp.

TS Trần Thị Hường- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ cho hay: “Diện tích, năng suất và sản lượng đậu tương trong 10 năm là thiếu tính ổn định. Sản lượng đậu tương tăng chủ yếu là do mở rộng diện tích, năng suất có tăng nhưng chậm. Như vậy, diện tích đậu tương là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao sản lượng. Việc mở rộng diện tích nhằm tăng sản lượng đậu tương là rất cần thiết. Tuy nhiên, mở rộng diện tích đậu tương ở đâu và mùa vụ nào cho thích hợp thì cần phải nghiên cứu”.

Đến từ thôn Sán Hậu, xã Chiến Phố, Huyện Hoàng Su Phì, nông dân Vàng Văn Đông chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống trồng đậu tương từ rất lâu đời, nhưng chủ yếu là giống địa phương và gần như không có đầu tư thâm canh nên năng suất thấp, sản phẩm chỉ phục vụ làm thực phẩm cho gia đình chủ yếu.

Tuy nhiên, từ năm 2011, được sự hỗ trợ của trạm khuyến nông cho tham gia mô hình sản xuất đậu tương hàng hóa, được tham gia các lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông xuống tận nương hướng dẫn kỹ thuật trồng, quy trình bón phân đúng cách, thêm đó được hỗ trợ 50% phân bón nên năng suất, sản lượng đậu tương của gia đình tăng qua các năm”.

Hàng năm gia đình ông Đông bán ra thị trường gần 2 tấn đậu tương với giá bình quân 17.000 đồng/kg cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Đặc biệt, khi tham gia sản xuất đậu tương hàng hóa, gia đình ông còn được tham gia vào chương trình sản xuất đậu tương giống tại chỗ nên đã chủ động được nguồn giống chất lượng để gia đình gieo trồng vào các vụ tiếp theo. So với trồng ngô, lạc, thu nhập từ trồng đậu tương cao hơn từ 1,5 – 2 lần.

Nhiều cơ hội

 



TS Trần Văn Khởi
  
Cây đậu tương là cây thực phẩm quan trọng trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Khó có thể tìm ra loại cây trồng nào có tác dụng nhiều mặt như cây đậu tương. Vì thế, cây đậu tương còn được gọi là “ông hoàng" trong các loài cây họ đậu”.
 
Ông Vương Mí Vàng- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: “Xác định cây đậu tương là loại cây trồng chính, mũi nhọn theo hướng sản xuất hàng hóa, Hà Giang đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, diện tích cây đậu tương đạt mức 25.000ha, sản lượng đạt 40.000 tấn. Hiện Hà Giang đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng đậu tương.

 

Đến thời điểm này, diện tích toàn tỉnh ước đạt 23.853ha, năng suất bình quân 12,64 tạ/ha, sản lượng ước đạt 30.160 tấn. Tuy nhiên, theo ông Vàng vấn đề hiện nay là cần cải tiến quy trình lai tạo giống, cơ giới hóa, gắn kết được “ 4 nhà” trong việc liên kết phát triển cây đậu tương theo hướng sản xuất hàng hóa để làm sao nâng cao thu nhập cho nông dân vùng Tây Bắc.

 

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng mục tiêu là phát triển về diện tích, trước mắt tập trung phát triển trên tất cả những diện tích có khả năng tăng vụ: Vùng cao trên đất ngô, ruộng 1 vụ; vùng thấp trên đất nương, đồng thời tập trung đẩy mạnh thâm canh trên tất cả diện tích, trong đó quy hoạch phát triển tập trung thành vùng, liên vùng nguyên liệu năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt tập trung những vùng đậu tương hàng hóa.