Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 25.9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ tiến hành không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, bảo đảm an toàn cho thường dân”.
Còn 1 công dân Việt ở Syria
Về công tác bảo hộ công dân Việt Nam (nếu có) trong bối cảnh tình hình đang diễn biến ngày càng nguy hiểm vì lực lượng Nhà nước Hồi giáo ngày càng phát triển và tàn bạo, Mỹ và các đối tác đang thực hiện nhiều cuộc tấn công vào Iraq và Syria, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, hiện không có người Việt Nam nào ở Iraq. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, kiêm nhiệm Syria cho biết, còn 1 công dân Việt Nam đang ở Syria. Đại sứ quán đang phối hợp với chính quyền địa phương và Tổ chức Di cư quốc tế để sớm đưa công dân này về nước.
Cũng liên quan đến các hoạt động của nhóm IS, ngày 24.9, trong phiên thảo luận cấp cao khóa họp 69 Đại hội đồng LHQ, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự, Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) đã yêu cầu tất cả các quốc gia phải coi việc công dân nước mình ra nước ngoài chiến đấu cùng các nhóm vũ trang, hoặc chiêu mộ và tài trợ cho người khác làm việc đó, là hành động phạm tội hình sự nghiêm trọng.
Tại cuộc họp do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì, HĐBA đã nhất trí thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo, trong đó hối thúc các nước “ngăn chặn và trấn áp” hoạt động chiêu mộ chiến binh cũng như việc những đối tượng này tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài. Động thái trên của LHQ nhằm phản ứng với sự nổi lên của IS và Mặt trận Nusra, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria.
Nghị quyết trên căn cứ vào Chương 7 trong Hiến chương LHQ, theo đó ràng buộc về mặt pháp lý đối với 193 quốc gia thành viên LHQ và trao cho HĐBA thẩm quyền thực thi quyết định bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế hay dùng vũ lực.
Việt Nam có biện pháp bảo vệ ngư dân
Ngày 24.9, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại phía nam đảo Hải Nam, phạm vi tập trận kéo dài đến gần quần đảo Hoàng Sa. Trước câu hỏi, cuộc tập trận này có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Việt Nam có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam- ông Lê Hải Bình cho biết: Ngay sau khi có thông tin này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực xác minh thông tin, đồng thời có các biện pháp cần thiết để tiếp tục bảo vệ ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống ở Biển Đông.
Ông Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh, từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam luôn luôn có các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngư dân hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống lâu nay của bà con.
Liên quan đến việc thời gian gần đây Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có đảo Gạc Ma thành các đảo nhân tạo, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)- ông Lê Hải Bình cho biết:
"Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình”. “Chúng tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.