Dân Việt

Nỗi buồn trái cây

Nguyễn Quang Thân 27/09/2014 05:10 GMT+7
Mười cây số trên đường đến thị trấn Chợ Lách (Bến Tre) và mười cây số rời Chợ Lách, chúng ta được diễu qua một vùng ngổn ngang cây trái Nam Bộ. 

Nhưng chính những sạp ngổn ngang trái cây bày dọc đường cái đã gợi lên nhiều suy nghĩ cho khách đi đường. Mà không chỉ ở Chợ Lách. Trên đường Cần Thơ - Hậu Giang, Cần Thơ – An Giang và nhiều đường lớn khác, nông dân vẫn bày trái cây ra bán. Bán cho ai? “Trăm người bán, vạn người mua” nhưng ở đây hầu như rất ít người mua. Khách du lịch vốn đã ít, lại không có thời gian dừng xe lại để mua trái cây. Vậy chỉ còn bán cho nông dân. Bán trái cây cho những người có hàng mẫu cây ăn quả và chính họ đang không muốn thu hái vì bán trái không đủ tiền trả công người hái. Ế là phải!

Những sạp trái cây bất đắc dĩ ế ẩm ấy buộc chúng ta phải nghĩ tới việc tiêu thụ trái cây cho nông dân ĐBSCL. Đây là chuyện xưa như trái đất đối với các nhà kinh tế và Bộ Công Thương. Nhưng bao nhiêu năm chúng ta vẫn như giẫm chân tại chỗ. “Mất mùa đói vì không có gì bán để trả nợ, được mùa đói vì giá rớt, cũng không đủ tiền trả nợ”, cái điệp khúc đau buồn ấy người nông dân phải ca đi hát lại nhiều năm nay rồi. Bộ Công Thương và hàng trăm sứ quán với tham tán thương mại có trách nhiệm chăm lo tìm kiếm thị trường đã làm được những gì? Hình như trái cây phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, ông hàng xóm sớm nắng chiều mưa lắm chiêu trò và nông dân luôn phải trả giá đắt vì những cán bộ có trách nhiệm vô trách nhiệm và lười tìm tòi, suy nghĩ. Suy cho cùng vẫn là thiếu tâm huyết vì nông dân.

Có những thương hiệu trái cây tự tìm lấy thị trường cho mình như bưởi, thanh long. Họ đã phải vượt qua nhiều khó khăn kể cả khó khăn do chính cơ chế trong nước gây ra. Nhưng số này còn quá ít. Xoài, chôm chôm, mít, hạt điều, dưa hấu, vải thiều, trái cây của ta luôn bị mất hoặc thiếu thị trường đe dọa. Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào Thái Lan và sắp tới có lẽ là Campuchia, người ta đã có cơ chế như thế nào để xuất khẩu thật nhiều trái cây một cách ổn định chứ không chỉ biết bày ra dọc đường rình bán cho nông dân thôn mình.

Thèm làm sao được như nước Pháp, nơi đã biết biến trái nho chua loét không bán được cho ai thành rượu nho, có tỷ trọng rất lớn trong thu nhập quốc dân. Các vị tổng thống đương nhiệm không ngại ngùng giúp bán hàng trong mỗi chuyến đi thăm nước ngoài. Tổng thống Pháp bán rượu nho còn ông Obama thì bán máy bay. Chắc các vị ấy không phải chuyên gia marketing nên không bán được nhiều nhưng họ đã làm những ông cán bộ ăn lương nhà nước để tìm thị trường cho nông dân giật mình suy nghĩ.

Cao đàm khoát luận cũng có cái hay, nhưng giúp nông dân bán thêm được một quả vải, một trái dưa hấu chắc chắn cũng là một việc không kém hữu ích,