Khá trùng hợp là vào thời điểm này, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 (tổ chức tại Ninh Bình trong 2 ngày 27, 28.9) cũng đề cập khá sâu tới hai vấn đề quan trọng trên trong một bức tranh chung mang tên “Tái cơ cấu nền kinh tế: Hy vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”. NTNN đã có cuộc trao đổi bàn tròn xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu và tác động của nó với thị trường.
Hiệu trưởng trường đại học kinh tế quốc dân GS - TS Trần Thọ Đạt: Áp lực gia tăng nợ xấu ngày càng lớn
Theo báo cáo, đến nay VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào. Giải pháp xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc, việc xử lý sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng còn lúng túng và không đạt hiệu quả. Hiện xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau. Tới nay, sở hữu chéo đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc giải quyết sở hữu chéo trong các TCTD chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Đã mua 54 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Công ty xử lý nợ xấu (VAMC) là một sáng tạo của Việt Nam. Song song với việc xử lý nợ xấu, NH đã đánh giá, rà soát tất cả những nguyên nhân gây ra nợ xấu, trên sơ cở đó đã hoàn thiện hành lang pháp lý và trích lập dự phòng rủi ro. Thông tư 02 có bước tiến mới về phân loại nợ xấu theo chuẩn cụ thể hơn và được đánh giá là chặt chẽ hơn. Chính vì thế số nợ xấu đến cuối tháng 7 là 4,11%, có giảm so với tháng 6 (4,16%) nhưng tăng nhẹ so với cuối năm 2013. Nguyên nhân là do, khi áp dụng Thông tư 02, phạm vi phân loại nợ xấu có thêm những khoản dư nợ cho vay trung – dài hạn. Khi đến hạn các DN đang gặp khó khăn sẽ làm tăng nợ xấu.
Nếu không làm chặt chẽ thì có thể thời điểm này thấy ổn, nhưng trong tương lai sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. NHNN cũng có nhiều phương án để xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD; tích cực thu hồi nợ; kiềm chế gia tăng nợ xấu khi cho vay trong thời gian tới. Sau 1 năm thành lập VAMC đã mua khoảng 54 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong đó có cơ cấu lại nợ cho khách hàng, giảm lãi cho khách hàng.
Ủy viên Uỷ ban Kinh tế TS Trần Du Lịch: Mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường
Các khoản nợ xấu hiện nay chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản rất thấp, không luân chuyển được nên ngân hàng, VAMC không có dòng tiền để xử lý nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng khó bán được tài sản đảm bảo bằng bất động sản vì còn vướng nhiều thủ tục nhiêu khê khác. Do vậy, ngoài việc cần phải bổ sung năng lực tài chính cho VAMC, phải tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho Công ty VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Công ty VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua nợ xấu theo giá thị trường, cần bổ sung tài chính cho Công ty VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Vẫn nhiều nghingờ quanh con số nợ xấu
Nợ xấu tăng cao hiện nay có một phần nguyên nhân từ chính các tổ chức tín dụng, từ những lỗ hổng quản trị điều hành đến rủi ro đạo đức. Nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại, chưa được xử lý triệt để một phần là do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và các giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Việc bán, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý nhiều bất cập, thị trường bất động sản chậm phục hồi và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Vấn đề nợ xấu đến bây giờ thực chất là bao nhiêu vẫn còn là một dấu hỏi, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về những con số được công bố, có lẽ chúng ta chưa biết được hết con số nợ xấu của ngân hàng thương mại thực chất là bao nhiêu. Nếu không có sức ép thật mạnh để minh bạch hóa, đánh giá được tình hình thì rất khó có biện pháp xử lý triệt để. Vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế theo tôi Chính phủ, Quốc hội phải làm quyết liệt hơn nữa.