Dân Việt

Cô học trò bốc gạch thuê

01/05/2011 07:58 GMT+7
Ba người trong nhà bệnh tật, mẹ phiêu bạt nơi xa, phải cáng đáng cả những công việc nặng nhọc, nhưng chín năm qua cô học trò Nguyễn Thị Thủy, lớp 9C Trường THCS Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An, luôn đứng đầu toàn khối về học tập.

Bố Thủy kể về gia cảnh khốn khó của mình: nhà có sáu miệng ăn nhưng chỉ có 4 sào ruộng. Ba người trong nhà lại cùng bị bệnh thần kinh, trong đó có bố Thủy. Anh trai đầu (20 tuổi) của Thủy bị mắc bệnh tâm thần phân liệt vừa đi chữa trị ở Vinh về mất số tiền không nhỏ mà bệnh chẳng thuyên giảm bao nhiêu. Em gái Thủy bị bệnh động kinh, bình thường không sao nhưng tối lại lên cơn đập phá, la hét khiến cả nhà bao phen hoảng hồn mà không có tiền chạy chữa.

img
Thủy (bìa trái) thường đi bốc gạch thuê sau giờ học. Bốc cả xe gạch, chia ra có khi chỉ được 500-1.000 đồng. Ảnh: Duy Ngợi

Gia cảnh vậy nên mẹ Thủy phải vào Nam làm phụ hồ, đến mùa vụ, tết nhất mới về nên bố em dù bệnh tật ốm yếu vẫn phải cảnh gà trống nuôi con.

Ngoài thời gian học trên lớp, Thủy cùng chị gái (đang học lớp 11) thay nhau quán xuyến việc nhà. Không chỉ vậy, mỗi chiều Thủy và chị lại lên bãi sò (gạch đúc bằng ximăng) bên quốc lộ 1 (xóm 9, Quỳnh Thạch) để bốc sò thuê. Công việc nặng nhọc, thất thường. “Buổi chiều mô nhiều nhất được 20.000 đồng nhưng có khi người đông, bốc cả ôtô chia nhau rất ít, chỉ 500-1.000 đồng vẫn phải làm. Tuy mệt nhọc nhưng đỡ được phần nào cho gia đình nên em cố gắng”, Thủy chia sẻ.

Không có thời gian học bài ban ngày nên Thủy thường thức khuya. Hôm nào bài tập nhiều em phải thức tới 1-2 giờ sáng. Chín năm qua Thủy luôn là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 8 và học kỳ I lớp 9, Thủy đứng đầu toàn trường về kết quả học tập. Học kỳ I vừa qua, Thủy dự thi học sinh giỏi cấp huyện ba môn lịch sử, sinh học, tiếng Anh.

Cô Phan Thị Xuân Lý, giáo viên chủ nhiệm của Thủy, cho hay: “Thủy là một học sinh chăm ngoan, hiền lành, luôn đứng đầu toàn trường. Em thông minh và có trí nhớ rất tốt. Tôi tin rằng nếu có điều kiện em sẽ còn tiến rất xa!”.

Thủy học đều các môn nhưng em thích nhất là môn tiếng Anh. “Dù khó khăn, vất vả đến đâu em cũng không bỏ cuộc để sau này có thể trở thành một nhà phiên dịch”, Thủy quả quyết khi nói về ước mơ của mình.

Theo Tuổi Trẻ