Dân Việt

Biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong: Trung Quốc đau đầu tìm lời giải

Phan Hồng Hải- Quang Minh 01/10/2014 06:40 GMT+7
Làm thế nào để làn sóng biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong không tạo thành hiệu ứng lan rộng, đang là bài toán khiến các giới chức ở Trung Quốc đại lục đau đầu tìm lời giải.

Chưa có dấu hiệu kết thúc

Những tuyến phố dẫn vào trung tâm Hong Kong trong ngày 30.9 vẫn tiếp tục tắc nghẽn. Hàng ngàn người biểu tình vẫn quyết tâm bám trụ tại đây, bất chấp lời kêu gọi giải tán từ chính quyền đặc khu. Những túp lều tạm đã được dựng lên, người biểu tình cũng được trang bị thêm mặt nạ chống khí, cung cấp thêm lương thực, nước uống… dấu hiệu cho thấy cuộc biểu tình chưa thể kết thúc.

So với 2 ngày trước đây, ngày 30.9, tình hình trên các tuyến phố Hong Kong có im ắng hơn, nhưng dự kiến hôm nay (1.10) là ngày Quốc khánh Trung Quốc, con số người xuống đường có thể sẽ gia tăng. Trong một cuộc họp báo sáng cùng ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh đã kêu gọi những người biểu tình “giải tán ngay lập tức”. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của ông Anh, người biểu tình đã yêu cầu ông từ chức.

Nhấn mạnh trong cuộc họp báo, ông Lương Chấn Anh cho rằng, thông tin mà những người biểu tình đang truyền tai nhau về việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ can thiệp vào cuộc biểu tình ở Hong Kong, chỉ là tin đồn. Ông Lương Chấn Anh cho biết, cảnh sát Hong Kong có thể xử lý các vấn đề phát sinh trong xã hội, không cần phải sử dụng PLA.

Ông Lương Chấn Anh cho rằng đường hướng của hoạt động "Chiếm lĩnh trung tâm" là làm tê liệt trung tâm tài chính của Hong Kong, gây sức ép đối với trung ương, nhưng quyết định của Ủy ban Thường vụ cho thấy trung ương sẽ không vì bị sức ép mà thay đổi quyết định. “Bất kỳ thay đổi nhân sự nào trước khi có quy chế bầu cử tự do toàn diện sẽ chỉ khiến Hong Kong tiếp tục chọn lãnh đạo theo mô hình hội đồng bầu cử"- ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh. Người biểu tình giận dữ vì chính quyền trung ương không cho người dân đặc khu được trực tiếp bầu lãnh đạo vào năm 2017.

Bắc Kinh cho rằng, những hoạt động biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong là “bất hợp pháp”. Ngày 30.9, Trung Quốc đại lục cũng tuyên bố ủng hộ giới lãnh đạo Đặc khu hành chính Hong Kong trong việc họ xử lý các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn đòi dân chủ cho đặc khu này.

Cú sốc kinh tế?

Theo BBC, về ảnh hưởng đối với kinh tế, một nền pháp trị già dặn, một hệ thống chính quyền ổn định và môi trường sống đáng mơ ước là các yếu tố tạo nên Hong Kong trong tư cách một trung tâm tài chính quốc tế.

Thị trường chứng khoán Hong Kong lớn thứ 6 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á chỉ sau Tokyo. Hong Kong cũng là thị trường hối đoái lớn thứ 6. Thành phố này luôn mở cửa đối với các nhà đầu tư và không có kiểm soát giới hạn gì về vốn.

Vì tất cả những lẽ đó, những biến động ở Hong Kong sẽ tạo ra cú sốc kinh tế đối với khu vực và thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thế giới) khi trả lời câu hỏi của NTNN về sự ảnh hưởng của phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong đối với thị trường chứng khoán và nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhận định: “Nếu phong trào biểu tình chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và tạm ngưng khi các yêu sách của họ được đáp ứng, hoặc chính quyền trung ương tỏ ý nhượng bộ, thị trường chứng khoán sẽ chỉ ảnh hưởng chút ít, không đáng kể. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự sụt giảm mạnh của thị trường tài chính Hong Kong trong những ngày này”.

Cũng theo tiến sĩ Tường, nếu Hong Kong không sớm giải quyết được tình hình hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ tụt dốc không phanh, hệ thống giao dịch thương mại bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế khác trong khu vực và lan rộng ra thế giới, trong đó có Việt Nam”.

Theo thống kê sơ bộ, đợt biểu tình này đã khiến 17 ngân hàng ở Hong Kong phải đóng cửa 29 chi nhánh trên toàn đặc khu. Nhiều hoạt động giao thương bị ngừng trệ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Hong Kong trong các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch…

   Nhiều cửa hàng của người Việt phải đóng cửa

Chị Phan Thị Hà - một doanh nghiệp người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Hong Kong cho biết, biểu tình đã khiến nhiều cửa hàng, trong đó có 2 gian hàng của gia đình trong khu thương mại Causeway Bay phải đóng cửa. “Người biểu tình  không đập phá, làm hư hỏng tài sản, song lượng người đông đã gây tắc nghẽn các lối vào và các hoạt động kinh doanh ngừng trệ nên chúng tôi buộc phải đóng cửa gian hàng”- chị Hà cho biết. Cũng theo lời chị Hà, ở nhiều tuyến phố khác  có rất nhiều nhà hàng của người Việt- chủ yếu phục vụ khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc cũng phải đóng cửa vì hoạt động biểu tình.
Thúy Đăng