TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế: Tránh xây nhà cao trên nền yếu
TS Trần Du Lịch |
Tôi cho rằng, 5 năm tới là thời kỳ TP.Hồ Chí Minh phải tập trung vào củng cố nền móng của phát triển bền vững. Trọng tâm là hạ tầng giao thông và môi trường nhằm tạo bước đi chắc chắn cho mục tiêu dài hạn trong 10 năm 2011-2020.
Nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố trước hết là phải tập trung những giải pháp để tự vượt qua những thách thức, mà sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng trong nhiều năm đã tích tụ ngày càng khó khăn hơn.
Cụ thể là, về cơ cấu kinh tế: Sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là thế mạnh của thành phố còn chiếm tỷ trọng thấp; tính cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa còn kém so với khu vực và quốc tế.
Những thách thức trên đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng thêm gay gắt trong những năm sắp tới, nên giải quyết mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng chính là khắc phục cho được nguy cơ TP. Hồ Chí Minh "xây dựng ngôi nhà cao tầng trên một nền móng quá yếu".
Đặc điểm kinh tế trên địa bànTP.Hồ Chí Minh là kinh tế đô thị, nên tăng trưởng kinh tế có sự gắn kết đặc biệt với kết cấu hạ tầng đô thị; với quy hoạch và phát triển đô thị; với việc chỉnh trang đô thị cũ và phát triển đô thị mới.
Mặt khác, TP.HCM có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với vùng ĐBSCL; Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nên những giải pháp liên quan đến nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị bền vững cần được tiến hành một cách đồng bộ và đặt trong mối quan hệ chung với các vùng miền.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành |
Xây dựng một TP.Hồ Chí Minh thành thành phố lớn như Roma, Athenes khi xưa hay Thượng Hải, Hongkong, Singapore, New York, London, Sydney ngày nay, cần phải hội đủ các yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chỉ xét riêng về "Thiên thời", với chính sách "làm bạn với tất cả" và "Hội nhập kinh tế thế giới", Sài Gòn - TP. HCM đã mạnh dạn phát huy tiềm năng của nền kinh tế dân doanh, và dẫn đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH.
Ngoài ra trong số gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, đa số là nguyên quán tại miền Nam, và TP. HCM; do vậy nguồn kiều hối từ hơn 30 năm qua chủ yếu là chảy về TP. HCM. Trong tương lai nguồn kiều hối cũng sẽ tiếp tục chảy về đây. Với một chính sách đối xử hợp tình hợp lý, đồng bào ở nước ngoài sẽ là một nhân tố để TP. HCM phát triển mạnh hơn.
Hoặc về "nhân hòa", TP.HCM có một đội ngũ lao động, trí thức, doanh nhân hùng hậu, và một lực lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài phong phú hơn các thành phố khác. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước tương đối giàu kinh nghiệm về kinh tế thị trường.
Với một hệ thống quản lý nhà nước thông thoáng, trong sạch, lực lượng nhân sự này sẽ là tác nhân chính cho TP. HCM trở thành một trung tâm kinh tế tầm cỡ lớn. Riêng về lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài thì còn phải có một chính sách hợp tình hợp lý hơn mới mong khơi dậy được sự đồng tâm nhất trí.
Nếu thực hiện được đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và thực thi nghiêm túc chính sách công bằng, dân chủ, văn minh, hòa hợp dân tộc, thì TP. HCM có khả năng phát triển ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh: Phân cấp nhiều hơn
Chuyên gia Lê Đăng Doanh |
Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đang có những bước phát triển lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, vào cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, TP.Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những hạn chế như tốc độ tăng trưởng không cao, gặp nhiều vấn nạn và đang có nhiều căn bệnh trầm trọng như đầu tư kém hiệu quả, kẹt xe, ngập nước, sự bất lực và yếu kém của bộ máy hành chính, tồn tại nhiều vụ tham nhũng lớn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thành phố.
Để TP.HCM phát triển ngang tầm với khu vực thì phải đi đầu trong cải cách, thực hiện công khai, minh bạch trong mọi vấn đề. Hiện TP.Hồ Chí Minh đang tăng trưởng dưới tiềm năng của người dân do vậy, nếu có cơ chế chính sách thông thoáng có thể thu hút nguồn lực của người dân để phát triển rất nhanh.
Thành phố cần biết phát huy sáng kiến của người dân, người tài trong nước cũng như ở nước ngoài đang ngày càng có xu hướng chọn thành phố này để lập nghiệp. Lâu dài, TP.Hồ Chí Minh phải tăng trưởng về mặt chất lượng, nâng cao hiệu quả chất xám.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho thành phố này như để họ tự có cơ chế xử phạt về giao thông; phân cấp cho họ đầu tư để họ mạnh dạn cắt bỏ đầu tư kém hiệu quả và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân; nhiều thủ tục hành chính, thuế cũng có thể phân cấp theo đặc thù của thành phố...
Mai Hương (ghi)