Xế trưa giữa tuần tại chợ Cửa Nam (Hà Nội), nhân viên trông xe tại tầng hầm tỏ rõ sự ngạc nhiên khi có khách hỏi lối cầu thang lên chợ. Lâu lắm rồi không ai hỏi anh chuyện này. "Ngày nào cũng chỉ có 4 nhân viên của mấy quầy hàng trên đó đến rồi lại về. Khách ra vào tòa nhà chủ yếu lên các tầng văn phòng chứ có mấy ai vào chợ", anh nhân viên này giải thích.
Nằm giữa trung tâm thủ đô, cách Bờ Hồ đúng một con đường Tràng Thi, Cửa Nam từng là một trong những khu chợ cổ và sầm uất nhất của Hà Nội. Nhiều tiểu thương cũng đã có hàng chục năm gắn bó với nơi này. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi với chủ trương hiện đại hóa, khu chợ được xây dựng, chuyển đổi thành trung tâm thương mại 13 tầng (chủ yếu làm văn phòng cho thuê). Khi đi vào hoạt động năm 2010, cả trăm hộ kinh doanh cũ tại đây được chuyển xuống tầng hầm, với đủ các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, hàng khô và đồ gia dụng... Tuy nhiên, số còn trụ lại được thực sự đến nay chỉ còn 2 hộ.
Ngồi thêu tranh tại gian hàng đề bán rau củ, 2 nhân viên chẳng mấy hào hứng khi có khách ghé qua. Quầy hàng này hiện đã chuyển sang bày bán đồ khô, mì tôm và một số thức ăn đóng hộp... Số này chỉ chiếm khoảng 30% diện tích, những ngăn còn lại đều trống trơn, bám đầy bụi bặm. Theo những nhân viên này, từ lâu cửa hàng đã không nhập thêm thực phẩm tươi sống, chỉ còn lại vài kg táo trong tủ bảo quản.
Những kệ bày hàng tại chợ Cửa Nam đã trống trơn từ nhiều tháng nay. Ảnh: NT
Ở gian đồ gia dụng bên cạnh, các mặt hàng cũng được bày rất lộn xộn, chủ yếu là vàng mã, nến, cốc, chén... Theo người bán hàng, cảnh "chợ chiều" tại đây diễn ra quanh năm, chỉ khá khẩm đôi chút trong những tháng đầu mở cửa, khi khách mua chủ yếu là nhân viên văn phòng những tầng trên. Số này lại cứ ngày một ít dù thi thoảng cũng có chương trình giảm giá.
"Hàng hóa tại đây người làm chúng tôi mua về dùng dần là chủ yếu. Cũng chẳng biết việc kinh doanh này kéo dài được đến khi nào", một nhân viên nam cho hay.
Tại Trung tâm thương mại Hàng Da cách đó không xa, tuy không đến mức bi đát như ở Cửa Nam nhưng tình hình kinh doanh cũng rất ảm đạm. Khoảng 10h sáng, nhiều quầy vẫn chưa mở cửa. Các tiểu thương cho biết, do ế khách nên việc đóng hay mở cửa hàng cũng không có nhiều ý nghĩa.
"Các tiểu thương vẫn duy trì được gian hàng ở đây một phần là do họ không mất tiền thuê. Trước đây, họ bán hàng tại chợ Hàng Da cũ, sau này được suất mua một kiot khi trung tâm mới xây lên. Giờ muốn bán lại kiot cũng chẳng ai mua nên đành duy trì việc bán hàng kiếm được đồng nào hay đồng đó", một tiểu thương bán quần áo ngay tại tầng một lý giải.
Theo bà, so với việc kinh doanh trước đây tại ngôi chợ cũ thì hiện nay chỉ bằng 5-10%. Lượng khách cũng không đều, ngày có ngày không. Những hộ kinh doanh có gian hàng tại các tầng 2, 3 còn thê thảm hơn.
Không khí vắng vẻ tại Trung tâm thương mại Hàng Da. Ảnh: NT
Khai trương cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ tại tầng 2 được hơn một tháng nay, chị Hồng, chủ một kiot cho biết lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn được miễn phí tiền thuê mặt bằng nên chị vẫn trụ được.
"Trước đó, từ đầu tháng 7, ban quản lý trung tâm tung ra nhiều chương trình khuyến mại như miễn phí một năm đối với tiểu thương thuê cửa hàng tại đây nên số quầy đến nay có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, số khách đến mua hàng không tăng lên", nhân viên một quầy bán đồ túi xách, ví cho hay.
Không riêng chợ Cửa Nam và Hàng Da, một số trung tâm thương mại khác được chuyển đổi từ mô hình chợ tại Hà Nội như Ô Chợ Dừa, Thanh Trì... đều cùng chung cảnh ngộ. Trong một cuộc họp mới đây, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại có hiệu quả không cao, thành phố Hà Nội đã quyết định dừng mô hình này.
Hiện thành phố có 5 chợ kết hợp với trung tâm thương mại đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra có 2 chợ xây dựng thành trung tâm thương mại khác chuẩn bị hoạt động và 3 chợ dự định xây thành trung tâm thương mại. Tuy nhiên, phần lớn trung tâm thương mại chuyển đổi theo mô hình này không thu hút được tiểu thương và người dân, nhiều sạp hàng đã phải đóng cửa do ế khách. Nguyên nhân là chợ cóc vẫn còn hoạt động xung quanh, giá cả rẻ hơn nên thu hút khách hàng. Bà Lan đơn cử khi vào trung tâm thương mại Cửa Nam, khách hàng phải gửi xe mất thời gian, tăng chi phí so với mua hàng tại chợ cóc, cửa hàng trên phố.
Không đến nỗi hoang vắng như chợ Cửa Nam nhưng tiểu thương chợ Hàng Da cũng chịu cảnh ế ẩm. Ảnh: PV
Tại TP HCM, xu hướng chuyển đổi chợ sang trung tâm thương mại giờ đây mới bắt đầu khởi động. Trước đó khá lâu, Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông (quận 5) từng được xây dựng từ năm 1991 trên nền chợ truyền thống An Đông cũ. Trung tâm thương mại này rộng 25.000m2, cao 4 tầng, nhưng sau hơn 20 năm kinh doanh, nơi đây đã không còn được sôi động như trước.
Chị Nhung, bán giày dép tại chợ này cho biết, nếu so với chợ cũ trước đây khách vắng vẻ hơn nhiều. Nhiều tiểu thương đã quyết định cho thuê lại hoặc bán sạp lấy vốn đầu tư nơi khác.
Trong khi đó, một số chợ sau khi được xây cao tầng cũng phải đối mặt với tình trạng ế ẩm. Vì vậy, gần đây thông tin xây dựng chợ mới Tân Bình cũng như trung tâm thương mại 17 tầng án ngữ mặt tiền chợ đã khiến hơn 300 tiểu thương phản đối mạnh mẽ. Nhiều tiểu thương cho rằng việc xây dựng chợ truyền thống mới với quy mô gồm 6 tầng lầu, một tầng lửng và một tầng hầm với hơn 5.000 sạp thì sẽ khó kinh doanh hiệu quả. Kế hoạch này sau đó đã được gác lại.
Chị Hà, một tiểu thương ở đây cho biết chợ An Đông là chợ bán sỉ nhưng đến nay cũng phải đóng cửa tầng hầm. Hay một số chợ khác như Văn Thánh, Bình Tây cũng ế ẩm khi xây cao tầng. Ban quản lý chợ Văn Thánh cho hay lượng khách hiện giảm 70% so với trước đây nên một số tiểu thương thay vì chọn bán trong chợ thì nay dọn ra hai bên đường kinh doanh.