Cái chết tức tưởi
Theo tìm hiểu của PV Dòng Đời, trưa ngày 19.9, sau giờ làm buổi sáng, thầy Trường về nhà nấu cơm cho gia đình. Sau đó, đến bữa cơm trưa, người con gái không thấy bố đâu nên đi tìm thì kinh hoàng khi phát hiện cha mình đã chết trong tư thế thắt cổ ngay trong nhà. Lập tức, những người thân trong gia đình và hàng xóm kịp thời đưa thầy Trường đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Cát Bà, tuy nhiên tất cả đều đã quá muộn. Thầy Trường đã không qua khỏi.
Nhà riêng của thầy Trường
Về nguyên nhân dẫn đến việc thầy Trường chọn cách quyên sinh tại nhà riêng, một số nguồn tin cho rằng thời gian gần đây thầy Trường chịu nhiều áp lực trong công việc khi bị tố cáo có những sai phạm về tài chính và chuyên môn. Cụ thể, theo chúng tôi được biết, thầy Trường bị một cán bộ cấp dưới trong trường viết đơn tố cáo về hai nội dung này.
Ông Phạm Văn Chỉnh – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cát Hải cho biết, trong quá trình xác minh, số tiền mà người ta tố cáo thầy Trường sử dụng sai mục đích chỉ có vài triệu đồng (3 triệu đồng – PV). Thầy Trường đã viết tường trình rằng số tiền này là số tiền thầy và cán bộ trong trường trong những lần đi công tác giữa hai trung tâm đảo Cát Bà và Cát Hải (đều thuộc địa phận huyện Cát Hải) dùng để ăn trưa, chứ không hề có tư lợi cá nhân.
Đối với nội dụng vi phạm về chuyên môn, đơn tố cáo cho rằng, một số học sinh trong trường dù không học nhưng vẫn có điểm thi hết môn. Một số cán bộ, phụ huynh tuy thừa nhận việc thầy Trường linh hoạt như vậy là không đúng, nhưng ở đây không có việc tư lợi cá nhân. “Đã học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên thì anh biết rồi, chủ yếu là các cháu lực học yếu, không mưu cầu gì trên con đường học hành, thậm chí là những cháu cứng đầu. Tôi khẳng định, với con người như thầy Trường, thầy chỉ tạo điều kiện để cho các em nó có điều kiện cần để ra ngoài xã hội mưu sinh” – một cán bộ nói.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, bà B.T.H (một người dân đảo), nói: Có thể vì lòng tự trọng của thầy cao quá nên thầy đã chọn cách quyên sinh để chứng minh sự ngay thẳng của mình. Cuộc đời làm nghề giáo của thầy từ trước tới nay, tôi biết rõ thầy luôn lo lắng cho học sinh, giữ mình nên lòng tự trọng của thầy rất cao. Có thể vì chỉ đơn thuần là một nhà giáo chuyên tâm vào chuyên môn nên thầy Trường không chịu được trước những áp lực này. Không chỉ tôi mà rất nhiều người cũng hết sức bất ngờ và tiếc thương khi thầy chọn cách giải quyết sự việc như vậy.
Nhiều người khác cho rằng, thầy Trường chọn cách quyên sinh để chứng tỏ cho mọi người thấy sự liêm khiết của thầy. “Nhiều người sai phạm lớn, nhiều lần sai phạm trở thành quen, trơ mặt nên thấy bình thường, còn đối với một người như thầy, chừng như thế đã là lớn lắm rồi. Tôi thấy sự việc ở đây có yếu tố cá nhân. Thầy Trường chết thế rất tức tưởi” – Chị P.T.H, một người dân bày tỏ
“Những năm đầu chúng tôi ra đảo, tình người là thứ tài sản vô giá. Thầy Trường cũng thế, là người sống rất tình cảm, trân trọng đồng nghiệp, sống hết mình, thương học trò. Thầy Trường là giáo viên dạy toán giỏi, được nhiều giấy, bằng khen vì sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi đều nằm trong Chi bộ trong sạch vững mạnh của cơ quan” - Ông Phạm Văn Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cát Hải
Đám tang lớn nhất đảo của người thầy đáng kính
Trước sự đóng góp vì sự nghiệp giáo dục đảo, đạo đức người thầy… đám tang thầy Trường đẫm nước mắt. Khi tiểu sử của thầy Trường được đọc lên không ai có mặt trong đám tang có thể cầm được nước mắt. Ngoài các cấp chính quyền, đồng nghiệp, lớp lớp học trò, người dân trên đảo đến chia buồn, những học sinh của thầy ở khắp nơi cũng về thắp nhang cho thầy bày tỏ sự tôn kính, trân trọng, xót thương với người thầy. Một số người không trực tiếp về đảo Cát Bà đưa thầy thì cũng tập trung tại bến phà Đình Vũ, TP. Hải Phòng chờ để đưa thầy về nghĩa trang Ninh Hải, TP. Hải Phòng - nơi an nghỉ của thầy Trường. Không chỉ vậy, trên đường đưa thầy Trường về nơi an nghỉ cuối cùng, người dân hai bên đường tập trung vĩnh biệt thầy. Bà P.T.T, trú tại thị trấn Cát Bà cho biết, tôi đã vài chục năm sống trên đảo, nhưng chưa bao giờ thấy có đám tang nào lại đông người và xúc động đến thế. “Khi hay tin thầy Trường mất, rất đông người không phải thân quen nhưng cũng đã đến chia sẻ, động viên gia đình và muốn tiễn biệt thầy lần cuối. Không ai cầm được nước mắt bởi sự ra đi đột ngột và có phần tức tưởi của thầy” – bà T nói.
Nơi thầy Trường làm việc.
Và cho đến nay, đã hơn một tuần kể từ ngày thầy Trường qua đời, nhưng người dân đảo vẫn chưa hết nguôi ngoai xót thương. Nhắc lại hình ảnh tận tụy của thầy Trường mọi người đều rớt nước mắt. “Thầy sao phải làm thế? Người dân đảo đều hiểu lương tâm, đạo đức, con người của thầy. Người dân đều đứng về phía thầy” – chị P.T.H học trò của thầy xúc động.
Nghe hết những lời tâm sự, chia sẻ đầy kính trọng dành cho thầy Trường, chúng tôi thấy những người thầy được như thầy Trường ngày nay thật hiếm hoi.
Ông Phạm Văn Chỉnh – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cát Hải tâm sự: “Những năm đầu chúng tôi ra đảo, tình người là thứ tài sản vô giá. Thầy Trường cũng thế, là người sống rất tình cảm, trân trọng đồng nghiệp, sống hết mình, thương học trò. Thầy Trường là giáo viên dạy toán giỏi, được nhiều giấy, bằng khen vì sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi đều nằm trong chi bộ trong sạch vững mạnh của cơ quan”.
Ông Chỉnh cho biết thêm, ngay trong đội ngũ của trung tâm cũng có một số cán bộ là học trò của thầy. Hầu hết họ đều dành cho thầy Trường sự kính trọng, kể cả là lãnh đạo chính quyền và người dân trên đảo. Lãnh đạo và cán bộ Phòng Giáo dục huyện Cát Hải và một số cán bộ thuộc các khối Đảng, chính quyền huyện Cát Hải cũng xác nhận điều này. “Hầu hết người dân trên đảo đều kính trọng thầy nên khi biết tin về thầy quyên sinh ai ai cũng bất ngờ” – một người nói.
Xin bạn đọc hãy cùng chúng tôi lui một chút về khoảng thời gian những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, huyện đảo Cát Hải nhiều nơi còn hoang sơ đến lạnh người, giáo dục yếu kém. Thực hiện lời kêu gọi của các cấp chính quyền, năm 1983, sau khi tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Vinh tại quê nhà, thầy Trường cùng một số người lên con tàu thanh niên ra đảo Cát Bà, tình nguyện làm giáo viên Trường THPT Cát Bà, xây dựng kinh tế.
Nhớ lại hình ảnh đón con tàu từ trong đất liền chở thầy Trường và một số người tình nguyện ra đảo, những người dân trên đảo khi đó chỉ biết rớt nước mắt, không nói được gì vì lúc đó trên đảo còn hoang sơ về cơ sở hạ tầng và vật chất. Vì thế, tình người quan trọng lắm. Quan trọng hơn nữa là con chữ. Có thầy cô giáo, con cái họ sẽ được học hành, được giáo dục tốt hơn. “Nhìn thầy Trường và các thầy nhận trường, nhận lớp lúc đó chúng tôi cũng thấy ái ngại trước vì trường thì nghèo nàn, xập xệ. Người dân chúng tôi cũng nghèo” – một người dân xúc động kể. Sau khi nhận công tác tại Trường THPT Cát Bà, thầy Trường lấy vợ - cũng là một cô giáo quê ở đảo Cát Hải. Hai vợ chồng thầy Trường xác định gắn bó với hòn đảo khó khăn, nhưng đầy nghĩa tình này từ đó.
Trải qua bao năm dạy học, cống hiến, giúp nhà trường nâng cao kết quả dạy và học, bao thế hệ học sinh đầu tiên Trường THPT Cát Bà do thầy trực tiếp dạy đã biết đến các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, đặc biệt một số đỗ vào trường đại học danh giá như Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội… Nhờ thành tích này, thầy Trường được bầu làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà. Năm 2004, thầy Trường về nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cát Hải và giữ chức Giám đốc Trung tâm.