Dân Việt

Nỗi lo “hậu” lớp học

03/05/2011 01:25 GMT+7
(Dân Việt) - “90% thậm chí 100% bạn học của tôi sau khi kết thúc khoá học đều tổ chức sản xuất được từ nghề đã học... Nhưng, sau niềm vui là nỗi lo, khi mà sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro”- anh Đoàn Văn Tư, nông dân thôn Hoàng Lâu 2, xã Hồng Phong (An Dương, Hải Phòng) chia sẻ.

Học để phát triển vùng sản xuất…

Anh Tư là một trong số hàng trăm nông dân ở thôn Hoàng Lâu 2 bị mất phần lớn đất canh tác khi Khu công nghiệp An Dương được quy hoạch và xây dựng năm 2008. Cũng như các “lão nông tri điền” ở đây, anh quay ra làm nhiều nghề phụ trên mảnh đất ít ỏi của gia đình, trong đó có nghề chăn nuôi.

img
Anh Đoàn Văn Tư thu hoạch trứng từ 2.500 con gà đẻ.

Anh Tư nói: “Vì cả làng cả xã đều nuôi gà, nuôi lợn nên chúng tôi học hỏi nhau là chính… Ít kinh nghiệm, sợ dịch bệnh nên quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ”.

Giữa tháng 11.2010, Trường Trung cấp nghề An Dương tổ chức 4 lớp dạy nghề thí điểm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Ngay khi có thông tin mở lớp, anh Tư đã hồ hởi đăng ký đi học và được hưởng hỗ trợ chi phí học nghề theo diện nông dân mất đất. Lớp học mở ra ngay tại Hội trường thôn Hoàng Lâu 2, là trưởng thôn kiêm lớp trưởng chính anh Tư là người đứng ra nhận “nợ” mua 200 con gà và 10 con lợn giống để làm “nguyên liệu thực hành”.

Bà Vũ Thị Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong nhớ lại: “Địa điểm chăn nuôi thực hành tổ chức ở nhà chị Bùi Thị Tuyết. Lần đầu tiên bà con được học kiểu cầm tay chỉ việc, học nuôi con gà thì học cách xem từ quả trứng, thực tập chọn gà tới quy trình chăn nuôi, xử lý chuồng trại…”. Sau 1 tháng rưỡi học tập, kết quả lớp học khá “đẹp” khi có tới 69% nông dân đạt kết quả thi tốt nghiệp từ khá tới xuất sắc…

Ngay sau lớp học (tháng 2.2011), không khí tổ chức chăn nuôi ở làng Hoàng Lâu 2 rộn rã hơn. Anh Tư cho biết, như gia đình anh, trước nuôi quy mô khoảng dưới 1.000 con gà hiện đã đầu tư mở rộng chuồng trại, nâng quy mô chăn nuôi lên tới 2.500 con. Toàn xã Hồng Phong hiện có 23 trang trại, gia trại quy mô lớn như của anh, còn lại hầu hết người dân đều nuôi gà ở quy mô 200-500 con/đợt.

Chăn nuôi phát triển kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất con giống, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong đó có Công ty cổ phần Lượng Huệ. Anh Tư khẳng định: “Trước kia, bà con chăn nuôi ít thì công ty cũng ở quy mô nhỏ. Sau, chăn nuôi phát triển, doanh nghiệp này mới phát triển theo hướng dịch vụ liên hoàn từ ấp con giống tới cung cấp vaccin, thuốc thú y, thu gom gà và giết mổ… Tới thời điểm này, họ trở thành bạn hàng của hầu như tất cả người chăn nuôi ở Hồng Phong cũng như cung cấp gà giống, bao tiêu gà cho nông dân khu vực miền Bắc”.

Để hình dung ra “người bạn” này lớn như thế nào, chúng tôi tìm con số đơn giản nhất là số lượng gà giống xuất ra mỗi tuần. Nguyễn Văn Quý - nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần Lượng Huệ cho hay, gà ở công ty xuất theo phiên, trung bình 1 tuần xuất 2 phiên. Trước thời điểm tháng 2.2011, số lượng gà xuất chỉ khoảng 40.000- 50.000 con/tuần thì hiện đã ở mức 80.000 con/tuần.

Bên cạnh yếu tố thời vụ thì số lượng gà giống tăng cũng chứng tỏ quy mô chăn nuôi của nhiều hộ dân đã mở rộng rất mạnh. Chỉ tính số gà giống công ty xuất tại địa bàn trong tháng 2,3 và đầu tháng 4.2011 thì tổng đàn gà chăn nuôi đã lên tới cả triệu con.

Nỗi lo hiện hữu

Niềm vui rộn rã chưa qua thì nỗi lo đã hiện hữu. Anh Tư chia sẻ: “Khi kết thúc lớp học, chúng tôi đều hứa với nhau là tất cả sẽ làm nghề đã học, và phải làm một cách tử tế”. Thế nhưng, nỗi lo đầu tiên là vốn. Như gia đình anh Tư, ở quy mô chăn nuôi 2.500 con gà, anh phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Anh nói: “Vốn vay của Nhà nước cho phát triển trang trại chỉ là 50 triệu đồng, con số này như muối bỏ bể. Tôi phải thế chấp sổ đỏ và 2 cái nhà của người thân nữa mới đủ vốn. Cả nhà cứ đùa nhau, không nuôi gà thì nhà của mình, nuôi gà thì nhà của ngân hàng”.

Hàng trăm hộ dân thôn Hoàng Lâu 2 mong mỏi, khi Nhà nước hỗ trợ học nghề, địa phương chủ trương phát triển vùng chăn nuôi hàng hoá, trước hết phải có chính sách giúp nông dân chủ động về vốn để người dân yên tâm đầu tư.

img Đầu năm 2011, Trường Trung cấp nghề An Dương đã tổ chức được 10 lớp dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956, trong đó có 4 lớp thí điểm và 6 lớp đại trà học các nghề: Kỹ thuật trồng lúa-rau; chăn nuôi gia súc, gia cầm; may công nghiệp và điện dân dụng... Hiện, sau đào tạo, số lao động có việc làm đạt 90%. img

Một học viên khác, chị Bùi Thị Tuyết hiện còn để trống chuồng, nói: “Một phần vì gà vừa xuất, tôi phải vệ sinh chuồng trại, phần khác là vì chưa vay được tiền đầu tư lứa mới. Thời điểm này giá gà xuống thấp, gà ta xuất chuồng cũng chỉ bán được 60.000 đồng/kg. Chăn nuôi không có lãi”.

Bà Vũ Thị Thắm chia sẻ, ngoài nỗi lo về vốn, về giá cả, khi đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, điều làm người dân lo sợ nhất là dịch bệnh. Chính vì vậy, ở các lớp học chăn nuôi, điều mà bà con quan tâm nhất là phòng bệnh như thế nào. Sau lớp học, nhiều hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp tiêm vaccin phòng bệnh để đảm bảo một phần cho sản xuất. Anh Tư lo lắng: “Tuy nhiên, vì phát triển không đồng đều, có hộ ít vốn, nuôi nhỏ thì lơ là phòng bệnh hơn, điều này rất nguy hiểm”.

Với anh Tư và nhiều nông dân khác thì “làm nghề gì cũng có rủi ro, nhất là trong sản xuất nông nghiệp”. Nhưng khi được học hành bài bản, anh càng mong mỏi hơn một sự đầu tư bền vững vì: “Chúng tôi mất mấy tháng học chăn nuôi, nếu vì dịch bệnh, giá cả thấp phải bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang làm việc khác và phải học lại từ đầu thì rất lãng phí. Và con số 90-100% nông dân có việc làm sau đào tạo không có ý nghĩa lâu dài” - anh Tư chia sẻ.