Năm 1979, ông Phúc đưa gia đình từ Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) vào Tây Nguyên lập nghiệp. "Những ngày chân ướt chân ráo vào đất này, mỗi năm gia đình tôi thiếu ăn vài tháng là chuyện thường. Nhưng cái ăn vẫn chưa đáng lo bằng sốt rét” - ông kể.
Anh Nguyễn Đình Phúc- người mang lại niềm vui cho dân nghèo ở Chư Sê. |
"Ngụ bò ư nông"
“Thế mạnh của vùng đất này là chăn nuôi. Ban đầu gia đình tôi nuôi heo. Chật vật 7 năm trời mới tích lũy được chút ít vốn để mua 2 con bò đẻ. Thấy nuôi bò có lãi, hai năm sau tôi vay vốn mua thêm 10 con. Năm 1992 đàn bò của tôi đã lên tới 60 con…”- ông Phúc nhớ lại.
Lúc bấy giờ, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số học người Kinh trồng lúa nước. Họ cần bò để cày ruộng, nhưng không có tiền mua. Nhìn cảnh bà con suốt ngày vỡ đất bằng tay mà chẳng được bao nhiêu, ông Phúc cho họ mướn bò lấy sức kéo với điều kiện họ phải đảm nhận phần chăn dắt.
Đồng bào dân tộc ở các thôn Thắng Lợi, xã Ia Son; Kim Môn, Phú Tiên, Chí Linh xã Chư Thai… đến mướn bò ông về cày. Ngoài cho họ mướn bò đực cày kéo, ông còn cho mướn bò mẹ. Số bê sinh sản trong năm được chia đôi mỗi bên một nửa.
Hộ nào thiếu đói, ông tạm ứng tiền mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày… Với phương thức gửi bò cho nhà nông, hai bên cùng có lợi này, đàn bò của ông có lúc lên tới hàng ngàn con.
Mang "cần câu" cho người nghèo
Chúng tôi đến xã H'bông, đèo Chư Sê nơi đang có 14 trang trại nuôi bò của Công ty Phúc Huy do ông Nguyễn Đình Phúc làm Giám đốc. Vùng đất được mệnh danh là "chó ăn đá, gà ăn sỏi", vài năm trở lại đây thành nơi để nhiều gia đình ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đến chăn bò cho ông Phúc.
Anh Sáu Hoàng ở thôn Ring 2, quê ở Bình Định, nhà nghèo không có việc làm, vợ chồng anh trôi dạt lên đây kiếm sống và được ông Phúc cho nhận bò nuôi. "Hiện tôi đang chăn cho ông Phúc 70 con bò. Tiền công 300 nghìn đồng/ con/năm. Bò mẹ đẻ con thì được chia đôi… Bảy năm nuôi bò cho ông Phúc, tôi đã gây dựng được đàn bò hơn 50 con. Tôi vừa bán bớt để làm nhà, hiện còn 35 con”- anh Sáu Hoàng kể.
Anh Nguyễn Xuân Hưởng quê Nam Định phiêu bạt vào Chư Sê, cho hay: “Ông Phúc nhận gia đình tôi vào làm, cấp lương thực cả năm để nuôi bò. Sau 4 năm, ngoài tiền công chăn bò, tôi được ông Phúc chia cho hơn 20 con. Trước đây nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có khối tài sản này".
Con cái đã trưởng thành, có lúc tôi đã định thôi nghề nhưng nghĩ, mình bỏ nghề thì bao nhiêu người đang làm cho mình lấy đâu phương kế sinh nhai" - ông Phúc tâm sự.
Ông Phúc tiết lộ, ông đang đầu tư trồng hồ tiêu ở H'bông và đã được 5.000 trụ. Trồng hồ tiêu giúp tiêu thụ nguồn phân bón dồi dào từ nuôi bò cho bà con, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chia tay thảo nguyên khi những tia nắng vàng sắp tắt. Những chú bò sau một ngày gặm cỏ bụng lặc lè. Ông Phúc đã mang đến cho bao gia đình niềm hạnh phúc như chính tên ông.
Quốc Dinh