Nghi lễ quan trọng nhất trong đời con trai
Ông Hoa cho biết: Lễ cấp sắc thường được làm ở độ tuổi 12 – 17, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn nhưng đó là nghi lễ bắt buộc phải làm trong đời người con trai Dao. Bởi vì, nếu chưa làm lễ cấp sắc thì người đó sẽ không được cúng bái cha mẹ, khi chết sẽ không được trở về với tổ tiên. Đặc biệt, nghi lễ này cũng được thực hiện đối với người con nuôi. Điều này lý giải tại sao, người Dao nhận rất nhiều con nuôi và cũng yêu thương chẳng kém gì con ruột.
Được biết, để tổ chức nghi lễ cấp sắc phải chi phí rất lớn. Để lo được một buổi lễ cấp sắc thì gia đình phải chuẩn bị trước hàng năm trời, họ đến gặp thầy cúng và đặt lịch sẵn, chuẩn bị trang phục, họ vỗ lợn cho thật béo, nấu những vò rượu thật ngon để ủ thật lâu, thật nồng. Trước đây, cuộc sống còn nghèo khổ, người Dao còn nợ tiền để làm lễ, có người đến lúc về già, khi sắp chết mới lo đủ cho một nghi lễ cấp sắc, để đến khi chết linh hồn được gặp tổ tiên. Bây giờ, cuộc sống đã đầy đủ hơn, lo được buổi lễ cũng không khó khăn lắm, đối với những hộ nghèo vẫn được anh em, hàng xóm giúp đỡ vì đây là nghi lễ quan trọng nhất đối với người con trai Dao.
Trước khi làm lễ cấp sắc, người con trai phải trải qua lễ “đặt tên âm”. Nghi lễ này kỵ tiến hành vào các năm tuổi lẻ như: 11 tuổi, 13 tuổi, 15 tuổi... Người đứng ra cúng và đặt tên âm chính là cậu của người thụ lễ. Sau đó, người được thụ lễ sẽ phải nhận vợ chồng thầy cúng cho lễ cấp sắc làm cha mẹ. Thời gian này, người con trai phải tuyệt đối kiêng kỵ mỡ động vật, không được quan hệ với nữ giới, chỉ được nằm ở một chiếc giường duy nhất. Tuyệt đối không được nóng giận và sát sinh.
Sau khi chọn được ngày tốt. Gia chủ sẽ mời thầy cúng đến nhà làm lễ và mời dân làng mình, thậm chí dân làng khác đến chứng kiến. Người chứng kiến càng đông thì lễ càng sang trọng. Nghi lễ thường kéo dài hai ngày hai đêm và chia làm hai giai đoạn.
Đêm thứ nhất sẽ tiến hành nghi lễ “cấp sắc ngoài”, đó là giàn lễ được dựng cách nhà đang ở vài chục mét, người thụ lễ sẽ ngồi co ở tư thế giống như đang nằm trong bụng mẹ, sau đó sẽ phải thực hiện động tác ngã từ trên giàn xuống đất và giả vờ chết. Lúc này, thầy sẽ đến cấp những tấm sắc bí mật cho chàng trai.
Đêm thứ hai sẽ được thực hiện việc cấp sắc trong nhà. Trong nhà đã bày sẵn cỗ gồm lợn, rượu, thịt, xôi. Thầy sẽ thắp hương khấn vái Bàn Vương và tổ tiên.
Lúc này, người thụ lễ sẽ ngồi ở một chiếc ghế cao trước bàn thờ và bị đẩy ngã ba lần xuống đất. Tiếp theo, thầy cúng sẽ dùng chỉ xâu đồng tiền buộc vào tóc rồi bắt đầu cúng. Khi cúng xong, đồng tiền xu mới được gỡ. Thầy cúng sẽ dùng đèn, nến lên các bộ phận cơ thể chàng trai nhằm soi sáng cơ thể và tẩy rửa tất cả tội lỗi, sau đó mới đóng ấn để đuổi sắc âm đi và giữ lại sắc dương.
Bí danh không bao giờ được tiết lộ
Sau lời khấn trịnh trọng của thầy cúng, tiếng nhạc lại nổi lên dồn dập. Thầy cúng sẽ dùng kiếm múa say sưa, uyển chuyển, chàng trai vẫn ngồi trang nghiêm. Một lúc sau, tiếng nhạc lại dừng lại. Thầy cúng lại nâng sách lên đọc những điều cấm kỵ đối với người thụ lễ.
Đại ý là những điều răn dạy sau: Không được chửi vũ trụ (trời, đất); cấm vô lễ với bố mẹ; không được học điều xấu; không được dâm ô; không được trộm cắp; không được khinh thường người nghèo khổ; không được thấy cảnh nguy biến mà bỏ mặc... Những lời lăn dạy đó được ghi lại rất cụ thể trong cuốn sách của thầy cúng, người thụ lễ phải biết lắng nghe và ghi nhớ lấy.
Khi bình minh vừa lấp ló bên gò núi xa xa, thầy cúng mới tiến hành trao chứng chỉ cho chàng trai trước sự chứng giám của Bàn Vương. Chứng chỉ đó là hai tờ sớ được làm bằng giấy bản có in nội dung chứng nhận màu đỏ và đóng triện vuông màu đỏ. Thầy cúng dẫn chàng trai ra cửa chính, chàng bắt đầu thổi ba hồi tù và để mời thánh thần xuống làm chứng.