Ngay từ lúc sáng sớm, ga Lào Cai đã trở nên tấp nập hơn thường lệ. Lượng khách du lịch đổ về đây rất đông, và phần lớn trong số họ đều có nhu cầu thăm quan thị trấn sương mù Sa Pa. Hàng chục chiếc xe ca, xe buýt tập kết ngay trước sân ga Lào Cai, và chẳng phải đợi lâu, lần lượt từng xe khởi hành tới Sa Pa sau khi đã gom được đủ lượng khách.
Du khách bình dân có thể “lánh nạn” tại một homestay như thế này ở Lao Chải. Ảnh: Thu Thảo |
Nếu như thường ngày, giá vé xe khách từ thành phố Lào Cai tới điểm đầu thị trấn Sa Pa chỉ khoảng 50 nghìn/người, thì trong dịp lễ này, hành khách phải chấp nhận đi với giá từ 70-100.000 đồng.
Trong khi đó, tại Sa Pa, hầu hết tất cả các mặt hàng, loại hình dịch vụ đều ùn ùn tăng giá, từ giá phòng trọ qua đêm, ăn uống trong nhà hàng, các quán cóc ven đường, đồ lưu niệm tới … giá xe ôm.
Đối với những phòng ngủ hạng trung ở Sa Pa trong những ngày bình thường, giá chỉ từ 250-300.000/phòng/đêm. Thế nhưng, trong dịp lễ, do nhu cầu tăng cao, giá phòng được đẩy lên gần gấp đôi.
Thực trạng này khiến nhiều công ty lữ hành Lào Cai rơi vào thế khó xử. Họ muốn ổn định giá tour để giữ chân khách, nhưng nếu không tăng giá (thậm chí nếu chỉ tăng nhẹ thôi) thì sẽ không thể có lãi.
“Nếu đón khách từ Trung Quốc tới thăm Sa Pa thì cũng chỉ dám đi trong ngày, vì phòng trọ qua đêm rất đắt, chúng tôi sẽ không có lãi”, ông Lê Anh Đại, giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Bình Minh cho biết.
Do tình hình khan hiếm phòng trọ bình dân trong thị trấn, nhiều du khách đã chuyển sang “phương án B” – qua đêm trong những căn nhà du lịch cộng đồng (homestay) ở các xã lân cận như: Tả Van, Tả Phìn, Lào Chải.
Tại đây, một đêm ngủ bản chỉ mất xấp xỉ 100.000 đồng/người. Hơn nữa, đây cũng là những điểm du lịch hấp dẫn, gần gũi với thiên nhiên, và thú vị chẳng thua kém thị trấn Sa Pa.
Thu Thảo