Dân Việt

Người “mê săn tầm đá hơn cơm”, 20 năm lặn lội tạo “ngọc” cho đời

Minh Hậu (Dòng Đời) 08/10/2014 08:00 GMT+7
Đang yên ấm với chức danh phó giám đốc công ty xây dựng, bỗng nhiên Châu Chí Hùng (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bỏ nghề để lao vào cuộc chơi… đá. Cũng từ đó, ông “cơm đùm, cơm nắm” đi khắp rừng sâu, núi thẳm của mọi miền tổ quốc để tầm đá, tạo bộ sưu tập, viết các tài liệu nghiên cứu để truyền tri thức khoa học về đá cho đời.
“Hùng khơi khơi”

Chúng tôi tìm đến gặp nghệ nhân Châu Chí Hùng (53 tuổi) vào một ngày cuối tháng 9, khi ông đang sắp sửa đồ đạc cho chuyến đi tìm đá tận các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông cho biết, ông sở hữu ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng “năm thì mười họa” ông mới lưu trú tại nhà vì phần lớn thời gian ông dành cho việc “lang thang” tầm đá. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài từ 1 tuần đến vài tháng, thậm chí có thời gian gần 4 tháng trời ông mới đặt chân về nhà. “Cũng chính vì mê đá hơn cơm nên mọi người vẫn gọi tôi với cái tên “Hùng khơi khơi” hoặc “Hùng khơi” để nói tôi “hơi khùng khùng”, “hơi khùng”. Giờ đã trở thành nghệ danh của tôi” - ông Hùng thổ lộ.

img Sau khi đưa đá về nhà, ông bắt đầu công đoạn chế tác, tạo “ngọc” cho đá.
Châu Chí Hùng từng tốt nghiệp ngành Xây dựng (Đại học Bách khoa - TP.HCM) và từng được một công ty xây dựng có tiếng tại TP.HCM nhận vào làm việc với mức lương cao. Với óc sáng tạo, tài năng nên Chí Hùng được công ty trọng dụng và được đề bạt lên chức danh phó giám đốc công ty. Tuy vậy, làm việc chưa được bao lâu thì Hùng bỗng nhiên viết đơn xin nghỉ việc để theo đuổi niềm đam mê đá của mình. Chia sẻ về duyên cơ đến với đá, ông hồ hởi: “Năm 1994, tôi cùng một số cán bộ công nhân viên trong công ty ra miền Trung để chuẩn bị xây dựng công trình. Trong một lần đang leo rừng khảo sát địa bàn thì tôi vấp phải một hòn đá cuội lộ thiên khiến ngón chân chảy máu. Khi ấy, tôi cầm hòn đá lên tay, thấy hòn đá toát lên vẻ đẹp lạ thường nên mang hòn đá về trưng bày. Từ đó, tôi “phải lòng” đá và quyết định nghỉ việc để lao vào cuộc sưu tầm đá, đeo đuổi ước mơ của mình”.

Cũng vì bỏ việc nên ông phải đối diện cảnh không nghề nghiệp, không nguồn thu nhập. Không để gánh nặng kinh tế đè bẹp đam mê, Hùng bắt tay vào gây dựng kinh tế bằng cách mở quán ăn, nhà hàng. Cũng từ đó, bao nhiêu tiền lời kiếm được từ việc kinh doanh, Chí Hùng đều “rót” vào chơi đá. Nghệ nhân Hùng tâm sự: “Nhiều lần, kinh phí chuyến đi vượt quá khoản tiền sẵn có hoặc đang hứng đi nhưng chưa sẵn tiền thì tôi lại tìm đến bạn bè vay mượn. Cứ vậy trong suốt hai chục năm trời, tôi đã đặt chân đến mọi vùng đất của tổ quốc. Mỗi nơi, tôi đều tìm vào những mỏ đá, len vào rừng rậm, sông suối… để nhặt nhạnh những mẩu đá “độc” đem về”. Ông cho biết thêm, vào chốn rừng sâu, nước độc săn đá nên nhiều lần ông bị bệnh sốt rét hành hạ đến “thập tử nhất sinh”.

Là người “khùng” mê đá hơn bất cứ thứ gì trên đời nên hễ biết ở đâu có đá quý, đá đẹp là ông lại thu xếp lên đường. Trước mỗi cuộc hành trình, ông lên lịch tỉ mỉ đồng thời tìm hiểu về lịch sử, địa lý của những vùng đất sẽ đặt chân. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu các tài liệu về khoáng vật, khoáng sản trong và ngoài nước để cuộc săn tìm có tính chất khoa học, đạt hiệu quả cao. Vì “chảy” theo niềm đam mê nên cuộc “săn” đá của Chí Hùng không có khái niệm giới hạn về không gian, thời gian hay thời tiết. Ông cho hay, ông đã từng vượt hàng ngàn cây số từ Đồng Nai ra tỉnh Bắc Giang chỉ để lấy một mẩu đá tinh thể Aragonit (loại đá giống san hô, có kết cấu hình kim cực kỳ quý hiếm) rồi lại quay vào các mỏ khoáng vật ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam… để sưu tầm thạch anh, hồng ngọc, cẩm thạch, mã não. Có những chuyến đi ông phải thuê xe tải chở đá về nhà nhưng cũng có chuyến đi tốn thời gian, của cải mà ông chỉ mang về chỉ là vài viên đá nhỏ.
"Nhiều tác phẩm tôi bán để lấy tiền trang trải chi phí cho những chuyến đi tầm đá. Nhưng cũng có những tác phẩm có người ngỏ lời mua gần 1 tỷ đồng tôi không bán. Tôi là người đam mê sưu tầm, đam mê nghệ thuật đá cảnh nên mỗi khi bán tác phẩm của mình là cả một sự day dứt”.

Tạo “ngọc” cho đá, hóa “ngọc” cho đời

Theo nghệ nhân Châu Chí Hùng, đá là sự kết tinh và được hình thành bởi nhiều loại khoáng vật nên có sự độc đáo về màu sắc, hình dáng, vân, thớ đá… Do vậy, sau mỗi cuộc hành trình tầm đá, ông lại dành một khoảng thời gian ít ỏi để chế tác đá theo sở thích của mình. Ông chia sẻ: “Một số viên đá tự nhiên có thể tự tóat lên vẻ đẹp nhưng cũng có một số viên phải trải qua nhiều công đoạn chế tác mới đạt tuyệt kĩ của nghệ thuật”. Nghệ nhân Hùng cho biết thêm, hiện tại “bảo tàng” của ông có hàng trăm viên đá có hình thù, loại chất cấu tạo khác nhau đã được ông chế tác để phục vụ nghệ thuật chơi đá cảnh. Trong đó, có những viên ánh lên kim loại vàng, xanh ngọc bích, trắng ngọc hay màu đen mỡ màng quí phái, đặc biệt có viên tự phát ra ánh sáng dịu như ánh trăng.

img Nghệ nhân Châu Chí Hùng và hòn đá tự phát sáng trong bóng tối mà ông mới sưu tầm được.
Sở hữu niềm đam mê kết hợp cùng bàn tay và trí óc tài hoa nên nghệ nhân Hùng đã cho ra đời những tác phẩm đá có giá trị kinh tế cao. Ông cho biết, nhiều tác phẩm đá sau khi hoàn thành đã có người đặt mua với giá trên 200 triệu đồng. “Nhiều tác phẩm tôi bán để lấy tiền trang trải chi phí cho những chuyến đi tầm đá. Nhưng cũng có những tác phẩm có người ngỏ lời mua gần 1 tỷ đồng tôi không bán. Tôi là người đam mê sưu tầm, đam mê nghệ thuật đá cảnh nên mỗi khi bán tác phẩm của mình là cả một sự day dứt” – Châu Chí Hùng thổ lộ.

Không chỉ tầm đá để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật, nghệ nhân Châu Chí Hùng còn tầm đá để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, sau 20 năm lặn lội tầm đá, nghệ nhân Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại. Trong số đó, có những viên đá quý như hồng ngọc (rupy), sapphire, ngọc lục bảo, ngọc hải lam hoặc những thân cây, vỏ ốc hóa thạch có niên đại từ hàng triệu năm. Mỗi mẫu đá tầm được, ông đều ghi chép đầy đủ các thông số khoa học như nơi phát hiện, thời gian phát hiện, tên gọi, thành phần cấu tạo, màu sắc, độ cứng, hệ tinh thể… để phục vụ nghiên cứu. Ông cho biết: “Ngoài đam mê đá, tôi là người nghiên cứu khoa học về khoáng vật, khoáng chất. Do vậy, mỗi mẫu thạch (đá) thu được, tôi đều lập danh mục cụ thể và viết tên gọi từng loại bằng cả tiếng Anh và tiếng Latin. Sau đó, tôi bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các thành phần cấu thành và niên đại của đá”.

Hàng ngàn trang về danh mục, nghiên cứu đá của nghệ nhân Hùng đã trở thành tài liệu tham khảo, nghiên cứu về khoáng vật cho sinh viên, giảng viên các trường đại học trong nước. Hiện tại ông đang cộng tác với Trường Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu. Ông Hùng khẳng định: “Tài liệu nghiên cứu về khoáng vật trong nước không nhiều, mẫu vật nghiên cứu tại các trường đại học ít nên sinh viên khó phát huy tư duy khoa học”. Nói về bộ sưu tập và các tài liệu nghiên cứu của mình, ông Châu Chí Hùng tâm sự: “Hiện tại tôi mới chỉ xuất bản quyển “Đá cảnh Việt Nam” để làm tài liệu tham khảo cho giới chơi đá cảnh nghệ thuật. Còn về phương diện tài liệu nghiên cứu khoa học, tôi đang cố gắng sưu tầm thêm mẫu vật, hệ thống thêm tài liệu nghiên cứu để một ngày nào đó sẽ xuất bản sách. Sắp tới, tôi cũng mở rộng thêm gian trưng bày mẫu vật để đón sinh viên, nghiên cứu viên trên khắp cả nước về tham khảo, nghiên cứu”.