1. Năm 2013, hai nhà sư Thái Lan được ghi hình đang ngồi trên máy bay riêng, cầm trên tay điện thoại thông minh, đeo kính mát thời trang với túi xách hàng hiệu. Những hình ảnh nhanh chóng gây phẫn nộ trong dư luận Thái và khiến thế giới phải chú ý: ở Thái Lan, Phật giáo là quốc giáo; và một lối sống đến mức sử dụng máy bay riêng thì đã đạt đỉnh của mức độ xa xỉ, ngay cả ở một nước giàu có.
Những nhà sư bị khiển trách. Nhưng đó là chuyện hiển nhiên. Cái đọng lại sau sự kiện ấy, là lời bình của thày Nopparat Benjawatananun: “Thời Đức Phật tại thế, không có thứ gì giống thế này”.
Thời Đức Phật tại thế, loài người chưa có “xã hội vật chất”. Sự khác biệt trong cái gọi là “hưởng thụ” giữa quý tộc với dân thường chỉ là bữa ăn, cái nhà ở, bộ quần áo mặc trên người. Lời dạy của Đức Phật về lối sống thanh đạm hình như dễ thực hiện hơn, ranh giới giữa thanh đạm và xa hoa rõ ràng hơn. Nhưng xã hội hiện đại sản sinh ra những giá trị mới, mối quan hệ mới, những nhu cầu mới cho con người – và khi các thày chưa đạt đến trạng thái giác ngộ cao nhất, các thày cũng là những con người. Thày N.Benjawatananun hẳn là một người rất hiểu thế nhân. Bởi vì thời Đức Phật tại thế, người ta không phải tranh cãi với nhau rằng cái điện thoại iPhone 6 trị giá hơn 20 triệu đồng có phải là một vật dụng bình thường phục vụ cho nhu cầu của con người, hay là đồ xa xỉ. Bao nhiêu thì là thanh đạm, bao nhiêu là xa xỉ trong thời đại này? Thời Đức Phật tại thế, cái ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm giới luật đơn giản hơn nhiều.
Bản thân các thày bây giờ khi di chuyển, cũng không thể bắt họ đi bộ bằng chân trần như thời Đức Phật tại thế nữa. Những Phật tử có thể chờ đợi thày đến làm lễ, thuyết giảng nhiều ngày trời không, hay là có một nhà tổ chức sự kiện đứng ra ấn định ngày giờ, địa điểm. Các thày sẽ vội vàng di chuyển qua những đô thị bằng xe hơi để đến nơi đệ tử đang chờ đợi (trong sự sốt ruột, để còn đi làm việc khác). Trong số những chiếc xe hơi các thày đi, có thể có taxi rẻ tiền, có thể có xe sản xuất ở Đức.
Nói chung, xã hội đang trở nên mông lung hơn so với cái thời mà Đức Thích Ca còn tại thế, để bản thân những nhà tu hành tự vạch ra ranh giới cho bản thân mình.
2. Câu chuyện nhà sư Thích Thanh Cường ở Hải Dương với hình ảnh “đập hộp iPhone 6” đã gây xôn xao. Nhà sư đã phải chịu hình thức kỷ luật là cảnh cáo.
Nhưng hẳn ai cũng nhận ra rằng đằng sau hiện tượng thày Thích Thanh Cường có thể “đập hộp iPhone 6” và được đại gia “tặng con Vertu cho nó xứng tầm của thày”, chính là động lực vật chất của toàn bộ xã hội. Những trường hợp như thày Cường, không phải là chuyện của cá nhân. Việc thày có thừa tiền do đệ tử đóng góp để tiêu pha – là câu chuyện của xã hội: người ta đang công đức cho nhà chùa những khoản tiền khổng lồ, với tâm niệm “thuyết phục” các đấng bề trên nghe lời khẩn cầu.
Họ chỉ thành tâm muốn xây dựng chùa chiền tạo đức thôi? Thế thì tại sao họ lười thế, không tự đứng ra xây dựng chùa chiền, giám sát thi công, mà “bắt” các thày phải tự làm bằng tiền mặt do mình đóng góp. Họ chỉ thành tâm thôi? Thế thì tại sao lại "biếu" thày con Vertu trị giá 600 triệu – nó “đẹp đạo” ở chỗ nào? Hay là như trong mọi cuộc xin-cho ngoài trần thế, ở đây có cơ chế hối lộ cả thánh thần?
Vung ra đồng tiền rồi coi như thế là đã xong nhiệm vụ, thoải mái tâm lý, ấy là cái cơ chế “làm việc thiện” phổ biến ở nước ta bây giờ.
Ảnh chụp sư thầy Thích Thanh Cường đang cầm điện thoại đắt tiền Vertu. I.T
Thời Đức Phật tại thế, chắc các nhà quý tộc không hành xử kiểu “tiền tươi” như thế. Đức Thích Ca và các Bồ Tát chắc là không bị bắt nhận vàng bạc từ các tiểu vương rồi đứng ra làm chủ đầu tư xây chùa, dựng tháp, cầm tiền mặt đi ký hợp đồng với tư cách bên A, giám sát thi công và có cơ hội... “chỉ định nhà thầu”.
Việc thày coi iPhone 6 và Vertu như biểu hiện của “tầm vóc” và muốn khoe nó cũng là bằng chứng của một xã hội đang trở nên phù phiếm về vật chất. Bạn có biết rằng thị trường “nóng” nhất của tập đoàn Apple trên thế giới là quốc gia nào không? Chính là Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2014, thị trường iPhone và iPad ở nước ta tăng trưởng gấp 3 lần, so với gấp rưỡi tại Trung Quốc và gấp đôi tại Nga.
Bản thân những người Việt Nam bình thường cũng không muốn sống tiết kiệm, bản thân những người Việt Nam cũng phù phiếm, và cũng không hề sử dụng đồng tiền theo hướng có lợi nhất: khi một thanh niên cầm 30 triệu trong tay, thay vì nghĩ đến một mô hình làm kinh tế nào đó, để phát triển bản thân và tạo ra giá trị cho xã hội, anh ta nghĩ ngay đến iPhone – xã hội vận hành như thế thì cũng chẳng trách được thày “đầu tư sai mục đích” tiền cúng dường.
iPhone trở thành biểu hiện của sự quyền quý, là chuyện của xã hội chứ không phải là của thày Cường.
“Đạo” đang phát triển trong một “cõi đời” nơi mà sự thiếu minh bạch trở nên phổ biến đến mức tràn cả vào cửa chùa, nơi tâm lý đưa hối lộ dành cho cả thánh thần, nơi mà sự phù phiếm vật chất trở thành một thứ phổ thông, nơi ranh giới giữa thanh đạm và xa hoa , đúng và sai, trở nên mờ nhạt.
3. Thày Cường đã sai và xứng đáng bị kỷ luật với sự khoe khoang của mình. Người ta gọi thày là “Thích Ai Phôn”. Nhưng nếu chỉ trích cá nhân sư thày thì quá dễ dãi: thày chỉ là sản phẩm của cả một hệ thống đang sai.
“Đạo” đang phát triển trong một “cõi đời” nơi mà sự thiếu minh bạch trở nên phổ biến đến mức tràn cả vào cửa chùa, nơi tâm lý đưa hối lộ dành cho cả thánh thần, nơi mà sự phù phiếm vật chất trở thành một thứ phổ thông, nơi ranh giới giữa thanh đạm và xa hoa , đúng và sai, trở nên mờ nhạt. Cứ tìm ở ký túc xá nào đó, bạn sẽ thấy rất nhiều sinh viên có gia cảnh thuộc diện ở cho phép ký túc xá, sử dụng iPhone. Vấn đề đó không hề bé hơn chuyện của thày Cường, thậm chí là còn hơn.
Thời Đức Phật tại thế, thanh niên có tý tiền chắc đa phần sẽ mua trâu bò, ruộng vườn chứ chẳng có iPhone.