Dân Việt

Thương vụ sáp nhập "khủng" trong hệ thống ngân hàng

26/07/2011 07:45 GMT+7
(Dân Việt) - TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienViet Bank nhận định: Cuộc “se duyên” giúp cả bốn bên là người dân, xã hội, VnPost và LienViet Bank cùng có lợi.

Trao đổi với Dân Việt, TS.Nguyễn Đức Hưởng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienViet Bank) bằng giá trị của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, đồng thời cho phép Ngân hàng Liên Việt đổi tên là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Đây là thương vụ góp vốn đầu tiên trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam khi một Tổng Công ty nhà nước góp vốn vào một doanh nghiệp cổ phần bằng cả tiền và cả giá trị của một công ty và bằng tiền mặt.

img
Ngân hàng Liên Việt sẽ tiếp nhận nguyên trạng Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.

LienViet Bank vừa thông báo phát hành 36 triệu cổ phần phổ thông cho VNPost. Có thể hiểu động thái này là gì?

img
TS.Nguyễn Đức Hưởng

- 36 triệu cổ phần phổ thông này tương đương với 360 tỷ đồng, đó là phần góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện của VnPost. Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến cũng sẽ phát hành 45 triệu cổ phần phổ thông cho VNPost là giá trị tiền mặt mà VNPost góp vốn vào LVBank, tương đương với 450 tỷ đồng, để tăng tổng số vốn thuộc sở hữu của VnPost tại Ngân hàng Liên Việt lên đến 810 tỷ đồng, tương đương với 14,999% cổ phần.

Thương vụ sáp nhập này có ý nghĩa thế nào đối với LienViet Bank và VnPost, thưa ông?

- Có thể khẳng định đây là sự kiện rất lớn không chỉ đối với LienViet Bank mà còn là thương vụ góp vốn rất đặc biệt trong ngành ngân hàng từ trước tới nay. Với việc sáp nhập này, VnPost sẽ được tham gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Trước đây, dịch vụ tiết kiệm bưu điện chỉ có thể làm công tác huy động vốn từ người dân nhưng không được phép cho vay, nay đã có thể thực hiện việc cho vay.

Ngoài ra, ngay trong năm đầu tiên này, VnPost đã có thể được nhận cổ tức 20% từ phần vốn góp của mình. Với LienViet Bank, chúng tôi có cơ hội tăng thêm vốn điều lệ và quan trọng hơn là mở rộng được mạng lưới giao dịch.

Với 13.000 điểm giao dịch của hệ thống tiết kiệm bưu điện thuộc VnPost, chúng tôi đã trở thành ngân hàng có số lượng điểm giao dịch lớn nhất nước, đến tận từng xã ở cả các vùng sâu, vùng xa. Để triển khai được số lượng điểm giao dịch như vậy, bình thường chúng tôi sẽ phải mất hơn 100 năm nhưng việc sáp nhập này đã giúp chúng tôi có một bước đi rất dài.

Với hệ thống điểm giao dịch lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ triển khai hoạt động như thế nào để phục vụ người dân, đặc biệt là bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa?

- Bên cạnh việc LienViet Bank và VnPost có lợi, cuộc “se duyên” này còn có lợi cho cả người dân, đặc biệt là bà con nông dân, và cả xã hội. Thứ nhất, những người đang gửi tiền tiết kiệm tại hệ thống tiết kiệm bưu điện trước đây hoàn toàn có thể yên tâm về tính an toàn của khoản tiền tiết kiệm vì Ngân hàng Liên Việt sẽ tiếp nhận nguyên trạng Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.

img Mô hình Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chính là sự “cộng sinh, cộng lực và cộng hưởng” mang lại lợi ích cho nhiều bên. img

TS Nguyễn Đức Hưởng

Hơn thế nữa, khách hàng không chỉ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường mà còn được sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mà hệ thống tiết kiệm bưu điện trước đây không được phép cung cấp như: Các dịch vụ Tiết kiệm có kỳ hạn, Dịch vụ Tiết kiệm cá nhân, Dịch vụ Chuyển tiền, Dịch vụ Nhờ thu, Dịch vụ Nhờ trả, Dịch vụ tiết kiệm bưu điện qua điện thoại, Internet Banking...

Thứ hai, với hệ thống điểm giao dịch đến tận từng xã, phường, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ chung tay cùng Ngân hàng phát triển Nông nghiệp và nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ người dân, đặc biệt là người nông dân, bà con dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa một cách tốt hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến các hộ nông dân. 

Cảm ơn ông!