Giao dịch liên kết với “mẹ”
Giao dịch liên kết là “bài tủ” phổ biến nhất mà các doanh nghiệp FDI sử dụng khi muốn chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, một nguồn tiền lớn được “tuồn” về công ty mẹ một cách “hợp pháp”. Dù có nhận ra được sự bất hợp lý thì Cơ quan thuế cũng khó “sờ gáy” được doanh nghiệp vì đó là hợp đồng riêng của hai thực thể.
Adidas là một trong những “ông lớn” FDI bị nghi ngờ gian lận thuế nhờ giao dịch liên kết. Kết quả thanh tra không khẳng định Adidas trốn thuế nhưng cho thấy công ty này có rất nhiều khoản chi phí bất hợp lý được trả cho các đối tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam.
Các khoản chi phí bất hợp lý tại Adidas được chỉ ra bao gồm chi phí tiếp thị quốc tế, chi phí quản lý, chi phí mua hàng, chi phí bản quyền. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí tiếp thị quốc tế.
Adidas Việt Nam sử dụng nhuần nhuyễn chiêu bài giao dịch liên kết
Theo đó, công ty mẹ (Adidas AG) thuê người nổi tiếng chụp hình quảng cáo cho sản phẩm. Các tấm hình quảng cáo này khi được treo tại cửa hàng của Adidas Việt Nam thì phải trả 4% doanh thu ròng cho công ty mẹ.
Ngoài ra, chi phí quản lý vô lý cũng được áp dụng tại Adidas Việt Nam. Adidas Việt Nam không chỉ phải trả thù lao cho quản lý tại Việt Nam mà còn phải trả cho quản lý vùng tại Singapore và Adidas Đức.
Bản quyền là một trong những chi phí được các doanh nghiệp FDI sử dụng khá phổ biến. Dù không phải là nhà sản xuất nhưng tại Adidas Việt Nam lại phát sinh khoản tiền bản quyền bằng 6% doanh thu ròng của sản phẩm.
Tập đoàn Metro cũng kiếm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ Metro Việt Nam nhờ phí nhượng quyền. Coca Cola Việt Nam cũng phải nộp cho công ty mẹ tiền bản quyền, tiền nhập đồ uống “độc quyền” của hãng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI và công ty “mẹ” thường có mối quan hệ mật thiết về tài chính. Metro Việt Nam không vay vốn trực tiếp từ công ty “mẹ” nhưng lại nhờ Tập đoàn Metro bảo lãnh. Metro “mẹ” không bảo lãnh miễn phí mà thu phí phí bảo lãnh 0,25% tới 0,35% mỗi năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Giao dịch liên kết với “anh em”
Không chỉ liên kết với công ty “mẹ”, một số doanh nghiệp FDI còn giao dịch liên kết với “anh em” – những công ty cùng Tập đoàn. Adidas Việt Nam đã sử dụng bài tủ này để chuyển một nguồn tiền lớn ra nước ngoài để gian lận thuế.
Dù có đầy đủ tư cách để nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài nhưng Adidas Việt Nam lại phải thuê đối tác khác là Adidas International Trading B.V thay mặt Adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ liên quan đến mua hàng hóa. Adidas Việt Nam trả cho đối tác 8,25% giá trị mỗi giao dịch.
Có “mẹ” mang “quốc tịch” Hàn Quốc nhưng Keangnam Vina cũng sử dụng thuần thục chiêu này. Khi mới hoạt động, Keangnam Vina đã ký hợp đồng với Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.
Keangnam Vina có mối quan hệ chặt chẽ với "anh em"
Không chỉ đảm nhận công việc liên quan đến xây dựng, Keangnam Enterprise còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina. Năm 2008, Keangnam Vina đã phải trả 30 triệu USD, tương đương 485 tỷ đồng phí tư vấn tài chính Keangnam Enterprise. Ngoài ra, “anh em ruột” còn thu rất nhiều khoản phí với giá trị lớn.
Keangnam Vina có nhiều quan hệ với các “anh em ruột”. Ngoài Keangnam Enterprise, Keangnam Vina còn “dâng” tiền cho Kookmin Bank, một đơn vị trong cùng tập đoàn.
Trước khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, Keangnam Vina đã kê khai lãi suất 12%/năm cho khoản vay 400 triệu USD tại ngân hàng Kookmin. Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5% - 7%.
Nestlé Việt Nam cũng khá rộng tay khi chi tiêu. Nestlé đã chi hộ khoản quảng cáo marketing cho Công ty Tetra Park South East Asia Pte và chi hộ 23,34 tỷ đồng cho Nestle S.A (chương trình phát triển bền vững cây cà phê).
“Vẽ” lại chi phí, lợi dụng chênh lệch thuế
Một trong những “chiêu” trốn thuế mà các doanh nghiệp sử dụng là “vẽ lại chi phí”. Theo đó, doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao để tăng chi phí.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu đối với hàng hóa bán ra với đơn giá thấp để giảm doanh thu. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giảm lãi, thậm chí lỗ để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Gucci Milano là đơn vị “điển hình” sử dụng chiêu “vẽ lại chi phí”. Trên thị trường, ai cũng biết Gucci Milano bán hàng hiệu. Đa số hàng mà Gucci Milano nhập về đều là những mặt hàng hiệu chính hãng có nguồn gốc từ châu Âu.
Gucci Milano đã trả giá vì trốn thuế
Tuy nhiên, Gucci Milano đã vận chuyển quá cảnh tại Hồng Kông, sau đó nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc để hạ thấp giá trị. Hàng hiệu có giá cao chót vót nhưng sau khi được Tuấn gắn mác “made in china”, những sản phẩm đến từ châu Âu bị “dìm” giá không thương tiếc.
Vì vậy, toàn bộ lô hàng vào Việt Nam trị giá hàng chục tỷ đồng chỉ phải đóng thuế 27 triệu đồng. Trong khi đó, số thuế đáng lẽ phải đóng là trên 552 triệu đồng.
Lợi dụng chênh lệch thuế không phải chiêu phổ biến nhưng Besra Việt Nam đã sử dụng thành công khi “phù phép” sản lượng vàng của hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.
Mỏ vàng Bồng Miêu nhận được ưu đãi thuế tài nguyên ở mức 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 18% và có ưu đãi tuyệt đối: Vừa được xuất khẩu, vừa được tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, mỏ vàng Phước Sơn đang phải áp mức thuế tài nguyên là 15% giá trị sản phẩm khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 40% lợi nhuận thu được và chỉ được xuất khẩu chứ không được tiêu thụ trong nước.
Vì vậy, một lượng vàng không nhỏ của mỏ vàng Phước Sơn được chuyển sang Bồng Miêu để hưởng thuế suất thấp và nhiều ưu đãi phân phối.