Dân Việt

SẠCH: Cải xà lách xoong ngày "tắm" 7 lần hút khách miền Tây

08/10/2014 06:21 GMT+7
Khâu quan trọng nhất trong trồng xà lách xoong là tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. Loại rau này cần độ ẩm nhưng lại không chịu được nước ngập nên cứ cách 45-60 phút từ 9h đến 15h lại phải được tưới nước một lần bằng hệ thống phun nước.

Trồng xà lách xoong theo mô hình mới đạt chuẩn, người dân ở Thuận An (Bình Minh, Vĩnh Long) có thu nhập khá ổn định so với việc canh tác lúa và rau màu khác.

Ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc HTX cải xà lách xoong an toàn Thuận An (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), cho biết, xà lách xoong có 2 mùa. Mùa thuận bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến 3 năm sau, còn mùa nghịch bắt đầu từ tháng 4 đến 9 (dương lịch). Mùa thuận cứ 1 tháng 10 ngày, người trồng xà lách xoong sẽ thu hoạch một lần. Năng suất mỗi lần từ 1 đến 1,2 tấn/công, bán giá 5.000 đến 15.000 đồng/kg. Còn mùa nghịch, thời gian thu hoạch là 2 tháng 10 ngày một lần, năng suất đạt 600 đến 700 kg/công, giá bán 15.000 đến 35.000 đồng/kg. Không chỉ cung cấp cho thị trường ở các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM còn xuất sang thị trường Campuchia. Giá xà lách xoong trong HTX cao hơn 3.000 đến 4.000 đồng/kg so với các loại trồng ở vùng khác”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ việc hẹp đầu ra, giá không cao, nhờ được hỗ trợ kho sơ chế bằng máy xử lý khí ozone để làm sạch khuẩn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, xà lách xoong tại xã Thuận An trở nên có giá, mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Lê Hoàng Dũng, có hơn 20 kinh nghiệm trồng xà lách xoong cho biết, mỗi năm, loại rau này cho thu hoạch từ 6 đến 7 đợt. Trừ chi phí, người trồng lãi 4 triệu đồng/công/đợt. Xà lách xoong trồng 1 lần có thể cho thu hoạch đến hơn 20 năm, anh Dũng chia sẻ.

img

Trồng xà lách xoong theo hướng VietGAP mỗi vụ có thể đem về mức lãi 30 - 40 triệu đồng/vụ/ha - mức thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ảnh: Ngọc Trinh.

Quy trình trồng xà lách xoong theo tiêu chuẩn sạch tương đối khắt khe. Người trồng phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phun thuốc theo giải pháp "4 đúng" và cách ly thuốc theo quy định ghi trên bao bì. Cách làm mới khiến đầu ra của sản phẩm ít bấp bênh hơn so với trồng theo lối truyền thống.

Theo tiết lộ của ông Hiếu, trước đây, nông dân trồng xà lách xoong chủ yếu bán tự do cho thương lái, với giá cả thương lượng chứ chưa có hợp đồng ổn định. Đầu năm 2013, tổ hợp tác được chuyển thành hợp tác xã (HTX) cải xà lách xoong an toàn Thuận An ở ấp Thuận Phú A, xã Thuận An (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) có 31 xã viên, với diện tích 8 ha. Việc quy hoạch lại vùng trồng và áp dụng công nghệ rau sạch cũng khiến cho giá trị loại rau nổi tiếng ở Thuận An được nâng cao.

Nói về kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Giúp, xã viên HTX chia sẻ, xà lách xoong là loại rau dễ trồng cho lợi nhuận gấp 2 đến 4 lần so với trồng màu và trồng lúa nhưng tốn công chăm sóc. Người dân cần xây dựng máy che bằng lưới để điều chỉnh nhiệt độ. Lề đi phải cao hơn 1 tấc so với mặt liếp để giữ nước.

Ông Giúp kể, ở Vĩnh Long, kinh tế các hộ gia đình chủ yếu dựa vào cây lúa, các loại rau màu khác như hành, bắp cải...nhưng đều cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên nhiều người bỏ đất, chuyển nghề khác mưu sinh. Ông là một trong những hộ nông dân kiên trì với trồng trọt, với rau xà lách xoong. Nhờ kiên trì học hỏi nên ruộng xà lách xoong của các xã viên trong HTX cho thu nhập khá, mỗi hộ lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/vụ sau khi đã trừ chi phí.

Theo ông Giúp, khâu quan trọng nhất trong trồng xà lách xoong là tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. Thường mỗi ngày, người trồng phải tưới nước khoảng 7 lần. Cứ cách nhau 45 đến 60 phút vào 9h đến 15h hàng ngày, người trồng phải tưới nước một lần bằng hệ thống phun nước bằng ống, mô tư. Ông Giúp cho hay, loại rau này cần độ ẩm nhưng lại không chịu được nước ngập.

Từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà HTX Cải xà lách xoong an toàn Thuận An có đầu ra ổn định và khắp các tỉnh vùng ĐBSCL.Theo tiết lộ từ ông Trần Minh Hiếu, đến nay, khi chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xã viên được đảm bảo đầu ra đối với sản phẩm xà lách xoong. Rau trồng theo quy trình sạch cũng có thể phù hợp để xuất khẩu.

Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, cải xà lách xoong an toàn Thuận An trồng theo tiêu chuẩn mới bước đầu cho hiệu quả cao. Tổng diện tích trồng xà lách xoong của toàn xã khoảng 130 ha. Ông Đức nói thêm, quy trình sản xuất rau an toàn và có đầu ra ổn định theo xã đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tăng số lượng rau cung cấp cho thị trường và vào siêu thị.