Dân Việt

Hàng Việt mất chỗ tại chợ truyền thống

31/08/2011 07:52 GMT+7
(Dân Việt) - Vì sao hàng Việt lại chưa được ưu tiên kinh doanh tại các chợ truyền thống? Câu hỏi này đã được khá nhiều các tiểu thương lý giải tại cuộc tọa đàm về vấn đề này diễn ra tại Hà Nội hôm qua (30.8) do Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN tổ chức.

Ông Trần Xuân Tăng-một tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) nêu một thực tế: Hàng Trung Quốc (TQ) bán tại VN không phải rẻ nhưng thương nhân TQ chịu khó len lỏi đưa hàng về các chợ, kể cả nông thôn, miền núi. Trong khi đó, những doanh nghiệp VN hiện không có cơ chế hay phương thức bán hàng nào hiệu quả tại các chợ.

img
Xe tải đổ hàng về chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Có kinh nghiệm 20 năm kinh doanh quần áo tại chợ ở Hà Nội, bà Phí Thị Nghĩa cho biết là rất thích bán hàng Việt nhưng nguồn hàng không đủ, mẫu mã, màu sắc kém. "Các doanh nghiệp VN cần phải cải tiến mẫu mã, thiết kế chuẩn đúng với gu người Việt thì hàng Việt mới có thể có chỗ đứng tại các chợ truyền thống hiện nay" - bà Nghĩa nói.

Có thể nói, trước những năm 90, hàng Việt bày bán tại các chợ truyền thống như chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vô cùng lớn; thậm chí nhiều mặt hàng quần áo, giày dép của VN còn được xuất đi TQ. Song những năm gần đây, kinh doanh hàng Việt tại các chợ truyền thống rất khó khăn. Hàng TQ hiện chiếm phần lớn và đa số là hàng trôi nổi.

Ông Nguyễn Khắc Dũng - kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân, khẳng định: "Hàng TQ tại chợ Đồng Xuân toàn hàng rẻ, hàng nhái không thể bán ở TQ nhưng bán được ở VN bởi doanh nghiệp VN có đưa hàng vào chợ đâu mà bà con biết để bán".

Bà Nguyễn Thị Dung - chuyên kinh doanh giày dép tại chợ Đồng Xuân cho biết, chợ này hiện chỉ có gần 30% là kinh doanh giầy dép nội, còn lại là hàng TQ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN cho rằng, các doanh nghiệp muốn phát triển không thể bỏ qua chợ truyền thống. Nhiều chợ truyền thống đã trở thành nơi trung chuyển hàng cho cả nước. "Không ai có thể quảng bá hàng Việt tốt hơn những tiểu thương buôn bán tại chợ. Họ tiếp xúc trực tiếp với người mua, họ hiểu cách bán hàng, tâm lý của người Việt. Do vậy, họ sẽ là những "trợ thủ" đắc lực cho doanh nghiệp VN"-bà Loan nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thu nhập của phần lớn người dân VN thấp do vậy, kinh doanh gì tại chợ cũng phải rẻ. Doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải tính giá thành, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm cho người Việt. Đạt được 3 yêu cầu này thì người Việt mới có hàng Việt.