Nhưng đây chỉ là thời gian lý thuyết, còn trong thực tế, các doanh nghiệp cho biết họ mất đứt 3 năm cho các loại thủ tục, giấy phép.
Nhưng không phải chỉ ngành xây dựng. Cả nền kinh tế đang là “tù binh” của giấy phép. Nhưng không chỉ doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bất đắc dĩ đóng vai nạn nhân của thủ tục.
398 ngành nghề đòi giấy phép. Bên cạnh 398 “giấy phép cha” ấy, còn có 2.129 “giấy phép con” và 1.745 “giấy phép cháu”. Nào là giấy chứng nhận. Nào là chứng chỉ. Nào là giấy chấp thuận…
Từ sau niềm hy vọng về những hành lang thông thoáng sau Luật Doanh nghiệp năm 2000, đến giờ, giấy phép đúng là như nấm sau mưa với “nhà vô địch” Bộ Công Thương, nơi ban hành 68 điều kiện kinh doanh, và “Á quân” là Bộ NNPTNT, chỉ kém hơn chút xíu với 58 điều kiện.
Những cái “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” trong phạm trù thủ tục đang không chỉ là những rào cản mà còn như những cái bẫy, bẫy sống doanh nghiệp và người dân.
Bẫy là từ mà Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã dùng khi ông chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về nhiệm vụ bãi bỏ những văn bản trái luật.
Và những cái bẫy, không khác gì đánh đố khi mà “hành lang pháp lý cho 3m, anh hướng dẫn còn lại 1m, cho đi thẳng thì anh hướng dẫn đi cong, bảo đi đường bằng thì anh hướng dẫn lên dốc…”.
Và những rào cản, chẳng hạn trong chuyện xin giấy phép lao động, đang khiến “ngay cả đến Bill Gates cũng không thể đạt”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không ít lần bày tỏ sự sốt ruột trước sự chậm trễ trong việc tháo gỡ các rào cản hành chính.
Nhưng việc tháo gỡ còn ì ạch chừng nào việc soạn thảo văn bản pháp lý, việc ban hành các thông tư, quy định vẫn được giao toàn bộ cho các bộ, ngành mà thiếu hoàn toàn sự phản biện, mà những đánh giá tác động kinh tế xã hội gần như chỉ được thực hiện theo kiêu đối phó, cho đủ thủ tục.
Nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: “Cơ quan soạn thảo nào cũng có lồng lợi ích bộ, ngành trong đó... họ muốn đẩy khó khăn cho người thực thi”. Hay nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Giấy phép con là miếng đất màu mỡ để kiếm thêm thu nhập và gây phiền hà cho doanh nghiệp”.