“Đã hội đủ khả năng tăng giá”
Theo báo cáo của EVN, trong quý I/2014, tập đoàn này đã lỗ trên 2.000 tỷ đồng, chủ yếu do cơ cấu phát điện, phải huy động nhiều điện giá cao,... Trao đổi với báo chí, ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết giá than và khí tăng khiến EVN tăng chi phí khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lỗ những năm trước vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá điện còn khoảng trên 8.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung hai khoản chi phí trên, ông Tri cho biết “đã hội đủ khả năng tăng giá điện”.
Trong những tháng đầu năm 2014, EVN đã một lần đề nghị tăng giá điện, nhưng chưa được đồng ý, nên giá điện vẫn được giữ nguyên. Mới đây, ngày 2.10, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Công Thương, ông Phạm Lê Thanh- Tổng Giám đốc EVN cũng nêu hiện tại, giá than và khí đã được điều chỉnh theo giá thị trường, tác động rất lớn đến tình hình tài chính của EVN. Ông Thanh kiến nghị cần có giải pháp đồng bộ về giá than, khí, điện...
Được biết, theo tính toán của EVN, trong năm 2014, chi phí sản xuất điện sẽ tăng thêm ít nhất 5.500 tỷ đồng do giá đầu vào và thuế tài nguyên nước tăng. Đó là chưa tính tới biến động tỷ giá ngoại tệ giữa VND và USD được điều chỉnh và việc đồng yen Nhật tăng giá.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, năm 2014, EVN phải huy động vốn đầu tư 123.654 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD), tăng 17,3% so với năm 2013. Muốn vay được vốn, thì điều kiện tiên quyết là EVN phải bảo đảm có một thể trạng tài chính mà các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận được. Việc áp dụng “cơ chế tự động điều chính giá điện” đã tạo điều kiện cho ngành điện bù đắp được các chi phí tăng lên đối với những hạng mục nằm ngoài khả năng ngành điện có thể tự kiểm soát được.
Hiện nay, giá đầu vào của sản xuất điện (nhất là than) là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới việc tăng giá điện. Trước đây, than bán cho điện chỉ bằng khoảng 60% -70% giá thành sản xuất than thì năm 2013 đã bằng với giá thành, năm 2014, giá than bán cho điện đã thực hiện theo giá thị trường. EVN đã phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện với giá cao hơn năm 2013 (hiện nhiệt điện chiếm tới 45,9% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống). Chưa kể, giá khí bán cho điện cũng đã tăng lên…
Minh bạch là điều quan trọng
Thực tế, vấn đề nhiều người dân quan tâm không phải là việc có tăng giá điện hay không mà quan trọng hơn là giá điện có minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho cả nền kinh tế, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng?
Việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1.6.2014 thực chất giá bán lẻ bình quân vẫn giữ nguyên 1.508.85 đồng/kWh, chỉ ở một vài nhóm có sự thay đổi. Trước kiến nghị của EVN về việc tăng giá bán điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, theo quy định hiện nay, EVN muốn tăng giá điện, phải có đề xuất gửi Bộ Công Thương. Nếu EVN có kiến nghị, lúc đó Bộ Công Thương sẽ xét xem phương án tăng giá điện liệu đã hợp lý chưa. Do vậy, việc tăng giá điện tới đây hay không vẫn còn đang cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá than, khí bán cho điện tăng là điều khó tránh vì giá than, khí cũng phải theo thị trường, ngành than, dầu khí không thể chịu lỗ để bán than, khí cho điện với giá thấp. “Giá than, khí tăng sẽ làm cho chi phí sản xuất điện tăng lên. Do đó, giá điện tới đây cũng cần thiết phải được điều chỉnh tăng lên. Các bộ ngành sẽ phải “ngồi lại với nhau” tính toán, cân đối các thông số đầu vào cơ bản cho sản xuất điện, để có mức điều chỉnh về giá điện hợp lý”-ông Ngãi nói.