Bài 1: Làm chắc, linh hoạt sẽ thắng
Nhiều nông dân được hỏi cho biết, làm vụ đông có nhiều thuận lợi như thời vụ rộng, đất nhàn rỗi nhiều. Bên cạnh đó, làm đâu chắc đến đó thì vẫn vụ đông vẫn có thể đem lại thu nhập cao.
Tận dụng được đất “nhàn rỗi”
Mấy vụ đông gần đây, ông Diêm Lập Trọng, ở thôn Sậm, xã Tân Thịnh, Lạng Giang (Bắc Giang) đều thuê đất giá rẻ của những người trong thôn, xã bỏ không để trồng khoai tây. Từ 1,2 mẫu giờ ông đã trồng đến gần 20 mẫu khoai tây trong vụ đông. Ông Trọng cho biết, trồng khoai tây trong vụ đông không khó, sau khi gặt lúa xong chỉ cần cho máy xuống cày bật gốc rạ lên là làm được luống. Hơn nữa, chăm sóc khoai tây lại rất nhàn, sau khi trồng xong chỉ cần tưới đạm, lân mấy lần nữa là được thu hoạch. Để yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, ông Trọng thông qua hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp của xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp. Theo đó, cứ để vụ thu hoạch khi vừa dỡ khoai xong, công ty sẽ xuống cân và lấy ngay, nhờ đó trừ hết chi phí riêng mấy tháng vụ đông, gia đình ông đã có thêm thu nhập từ 200-300 triệu đồng.
Theo ông Đặng Đình Thìn- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thịnh, do có sự liên kết với doanh nghiệp nên đến nay trong HTX đã có gần 300 hộ tham gia trồng khoai tây, cùng rất nhiều hộ khác trồng các cây rau màu như cà chua bi, rau xanh… “Theo tôi, trong vụ đông tùy từng địa phương chúng ta nên có những sự lựa chọn cho các giống cây phù hợp, chứ không nên trồng đại trà theo phong trào… phủ kín diện tích được”- ông Thìn nói.
Những vụ đông trước, ông Nguyễn Văn Thạnh ở xã Hải An, huyện Hải Hậu (Nam Định) cũng từng trồng tới 20 mẫu đậu tương. Ông Thạnh cho biết, đậu tương có ưu điểm là dễ trồng, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, đậu tương có nhược điểm lớn nhất là không chịu được mưa úng, chỉ cần ngập nước 24 giờ là thối rễ, dẫn đến chết cây, đặc biệt đậu tương thường bị rất nhiều sâu bệnh, nên năng suất không cao. “Đối với người nông dân chúng tôi, vụ đông là cơ hội để có thêm thu nhập, song các nhà khoa học cần cung cấp cho chúng tôi những giống đậu tương chống chịu được sâu bệnh, có năng suất cao. Nếu có giống đó, Nhà nước không cần hỗ trợ gì, chúng tôi cũng tự làm được”.
Làm chắc vẫn ăn
Ông Nguyễn Sinh Tiến – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT tỉnh Nam Định) cho biết: “Trong vụ đông 2013, chúng tôi đã triển khai trồng 18.000ha với mục đích tăng thu nhập cho người nông dân. Tỉnh cũng có hỗ trợ một phần về giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, nhiều hộ cũng hào hứng làm. Tuy vậy, mấy năm nay do thời tiết bất thuận (mưa nhiều hơn trong vụ đông), nên đã gây thiệt hại không nhỏ cho bà con. Do đó, trong vụ đông này chúng tôi xác định làm tới đâu chắc tới đó, dự kiến chúng tôi sẽ giảm xuống dưới 17.000ha với nhiều biện pháp hỗ trợ bà con”.
Một khó khăn nữa khi làm cây vụ đông, theo ông Tiến là nguồn lao động cho vụ đông đang già hóa, thiếu lao động trẻ gây khó khăn cho việc thực hiện triển khai vụ đông. Cùng chung nhận định như ông Tiến, bà Thiều Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, quan điểm của Vĩnh Phúc là đã làm vụ đông thì phải làm cho chắc, chứ không làm nhiều nhưng lại kém hiệu quả. “Mấy năm nay, diện tích cây vụ đông ở Vĩnh Phúc đã giảm từ 25.000ha xuống còn 20.000ha, nguyên nhân là nhiều hộ dân bỏ trồng ngô- cây thế mạnh trước đây của Vĩnh Phúc, vì kém hiệu quả. Hiện chúng tôi chỉ khuyến khích người dân trồng các loại rau củ để cung cấp cho thị trường Hà Nội, cũng như các cây lấy củ khác như khoai lang, khoai tây”- bà Hằng nói.
Chị Trần Thị Tuệ ở xã Yên Bình (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) dự kiến chỉ làm 4 sào ngô, 2 sào khoai lang có giảm chút so với vụ trước. Theo tính toán của chị Tuệ, năng suất ngô vụ đông thường chỉ đạt khoảng 130-150kg/sào, nhân với giá ngô 60.000 – 65.000 đồng/kg. Sau 3 tháng, trừ chi phí nhân công, giống má... thì chỉ lãi khoảng 100.000-150.000 đồng/sào. Mức này coi như chỉ lấy công làm lãi thôi”.
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc thừa nhận: “Khâu đầu ra cho sản phẩm vụ đông chưa có, sản xuất manh mún do chưa dồn điền đổi thửa được nên ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông của người dân. Có nhiều hộ không mặn mà với vụ này và thường có tâm lý bỏ. Song theo tôi, việc người dân bỏ vụ đông vì họ so sánh với các công việc khác có thu nhập cao hơn, chứ chưa hẳn là sản xuất cây vụ đông kém hiệu quả”.