Tối 7.10, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã ngang ngược xây xong đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, đường băng này dài 2.000m, dành cho các máy bay quân sự. Đảo Phú Lâm tuy là một đảo nhỏ, chỉ có diện tích 2km2 nhưng đã trở thành như một tiền đồn biểu tượng cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước diễn biến mới này, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã có những bình luận và phân tích về sự nguy hiểm ẩn sau hành động của Trung Quốc.
Là nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông bình luận như thế nào về hành động Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm?
- Việc làm sai trái của Trung Quốc mà chúng ta đang đề cập đến cho thấy Trung Quốc đang thêm những “bước đi sâu” vào việc khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép. Đường băng mới này sẽ là tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc để phục vụ cho các hoạt động quân sự.
Như chúng ta đã biết về sức mạnh của hải quân Trung Quốc, nếu không có những đường băng quân sự như thế này thì máy bay của Trung Quốc khó lòng hoạt động được trên Biển Đông, bởi chỉ cần bay từ lãnh thổ của Trung Quốc ra đến Phú Lâm là đã hết nhiên liệu nên rất cần những sân bay như thế.Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang rất thiều dầu. Mỗi năm, Trung Quốc phải nhập hơn 200 triệu tấn. Giai đoạn từ năm 1985 đến 1995, Trung Quốc đã thăm dò hầu hết Biển Đông, nắm được những vị trí có mỏ dầu, mỏ sắt… Vì những lẽ đó, hành động Trung Quốc ngang nhiên xây đường băng trên đảo Phú Lâm càng lộ rõ âm mưu Trung Quốc muốn chiếm bá quyền trên Biển Đông.
Thưa ông, liệu Trung Quốc có sử dụng đường băng trên đảo Phú Lâm làm trạm trung chuyển, để tiến hành các hoạt động quân sự đe dọa đến các hòn đảo khác không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đó có Trường Sa của Việt Nam?
- Theo tôi biết, đường băng này không phải là đường băng duy nhất mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, thậm chí có những đảo rất lớn. Quy mô của đường băng này chưa phải là lớn, nó đủ sức chứa những máy bay cỡ nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là một căn cứ quân sự để triển khai các hoạt động hải quân và ảnh hưởng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một nguy cơ cận kề.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, đường băng trên đảo Phú Lâm cũng là bước đệm để Trung Quốc tiến tới thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Đông, ông có đồng tình với nhận xét này không?
- Tôi cho rằng, Trung Quốc làm bất cứ cái gì cũng có tính toán kỹ. Đó cũng là một trong những bước đi rất nguy hiểm để dần tiến tới việc thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” ở Biển Đông.
Và chắc chắn, những hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ cản trở việc tiến tới thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?
- Đúng vậy. COC là một văn bản pháp lý, ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên có những hành động phi pháp, đi ngược lại với tinh thần này, một phần cũng là để kéo dài thời gian đàm phán. Tôi cho rằng, để tiến tới COC, sẽ còn phải mất thêm một thời gian dài nữa.
Xin cảm ơn ông!