Gán nhà mở trang trại
Sau hơn 20 năm gắn bó với trang trại, anh Bình vẫn nhớ như in những ngày vất vả của buổi đầu lập nghiệp. Năm 1978, anh Bình rời quân ngũ về tham gia sản xuất tại địa phương, Xuân Mỹ là vùng đất cằn cỗi chủ yếu sản xuất hoa màu đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thấy khó không nản, anh xung phong khai hoang mở rộng diện tích canh tác tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Quốc Cường (trái) -Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm và chia sẻ với chủ trang trại Lê Văn Bình (thứ hai từ phải sang).
Nhờ cần cù chịu khó, không lâu sau đó người dân trong thôn đã tín nhiệm bầu anh làm Trưởng và Bí thư chi bộ thôn. Anh thường trăn trở về phương thức, cách làm ăn mới làm sao để khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào tại địa phương. Nhận thấy địa phương có rất nhiều tiềm năng về đất đai, anh đã mạnh dạn đi đầu làm trang trại chăn nuôi.
Trò chuyện với phóng viên, anh Bình kể: “Hồi đó là vào năm 1993, bàn bạc với vợ xong tôi cầm giấy tờ đất và ngôi nhà đang ở lên Ngân hàng Nông nghiệp huyện cầm cố vay vốn. Khi tôi trình bày kế hoạch làm ăn, cán bộ ngân hàng gật đầu, cử cán bộ về xác minh và cho tôi vay 100 triệu đồng. Phải nói thật thời điểm đó với một hộ nông dân, tôi là người vay nhiều nhất tỉnh”.
Đối với anh, để được thành công như ngày hôm nay cũng trả phải trải qua nhiều khổ ải. Trên diện tích 60ha, anh bỏ một ít vốn vào trồng rừng, còn lại anh đầu tư vào khai hoang đào 5 ao nuôi cá và chăn nuôi bò và vịt. Tuy nhiên, lúc đầu kiến thức còn hạn hẹp, nuôi cá thật bại, người thân bạn bè bắt đầu lo lắng cho anh vì số vốn vay ngân hàng lớn.
Nhưng rất may còn có đàn bò và vịt giúp anh có tiền trả lãi ngân hàng. Từ cú vấp ngã này, anh Bình khăn gói ra Nga Sơn (Thanh Hóa) Chương Mỹ, Ba Vì (Hà Nội) học tập các mô hình nuôi cá, chăn nuôi. Không lâu sau đó người ta thấy anh đưa giống cá vược (hay còn gọi cá chẽm), một loại giống cá mới ở địa phương thời điểm đó về nuôi và thành công ngay vụ đầu.
Làm gương cho bà con
Không chỉ giỏi làm trang trại, công việc của thôn cũng được anh hoàn thành xuất sắc còn khởi dậy được phong trào làm kinh tế của địa phương. Từ chức vụ Bí thư chi bộ và trưởng thôn năm 2004, anh Bình được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ.
Đầu năm 2010, Chính phủ ban hành quyết định thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã có nhiều lợi thế về đất đai nhưng chưa có người tiên phong làm mô hình phát triển sản xuất. Được sự động viên của lãnh đạo tỉnh và huyện, sau khi học hỏi mô hình chăn nuôi của của ông Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh (huyện Vũ Quang), anh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên trang trại hiện có.
Năm 2012, gia đình anh vay vốn xây dựng 3 dãy chuồng nuôi lợn trung có quy mô 1800 con/lứa theo hình thức liên kết với Công ty CP của Thái Lan, 100 con bò sinh sản, 5 ha ao nuôi cá nước ngọt, 1.000 con gà, 2.000 con vịt đẻ, trồng lúa và lạc...
Chỉ riêng chăn nuôi lợn thương phẩm mỗi năm xuống chuồng 3 lứa, sản lượng gần 350 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí, lãi gần 600 triệu đồng. Nếu tính tổng doanh thu các ngành hàng, trang trại đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng/năm, lãi ròng gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 4-5,5 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Văn Bình gương điển hình về làm trang trại.
Chia sẻ với chúng tôi anh Bình nói: “Để thành công trong việc phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa thì người nông dân cần phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhằm tránh được rủi ro về dịch bệnh và sản phẩm sản xuất ra không bị tư thương ép giá”.
Sau khi làm thành công anh Bình đã hỗ trợ giống, kỷ thuật và đỡ đầu cho 4 trang trại trong xã phát triển chăn nuôi tập trung và làm ăn hiệu quả, trong đó có hai trang trại lớn của anh Phan Văn Hòa và Đinh Quang Trọng.