Ông Hùng cũng trần tình, trước khi nghiên cứu dự án sân bay Long Thành, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không khả thi. Bởi nếu mở rộng Tân Sơn Nhất thì sẽ phải giải tỏa đền bù cho nửa triệu dân - một điều vô cùng phức tạp, tốn kém và gần như bất khả thi. Cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa cũng khó bởi sân bay này không có đầy đủ yếu tố hạ tầng để khai thác thương mại, có làm thì cũng phải tốn 7,5 tỉ USD.
Do vậy, từ lâu dự án sân bay Long Thành đã được nghiên cứu và được cho là phương án “rẻ nhất”, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành hàng không và cả yêu cầu phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, ông Hùng cho biết. Dự kiến nếu được thông qua, Ngân sách Nhà nước sẽ chỉ phải chi đền bù giải phóng mặt bằng (khoảng 18.500 tỉ đồng), còn lại nhà đầu tư sẽ tự vay, tự trả vốn xây dựng dự án này.
Tại cuộc họp này, các câu hỏi của báo chí đều xoay quanh khả năng trả nợ vốn, hoàn vốn của dự án. Việc triển khai dự án này sẽ có nguy cơ tăng nợ công và nếu Quốc hội không thông qua thì có giải pháp nào cho hàng không của khu vực trong tương lai. Các câu hỏi tại sao phải xây Long Thành thời điểm này và dựa vào đâu để nói Long Thành đầu tư xây dựng nên sẽ có sự cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực?... cũng được đặt ra
Ông Nguyễn Hồng Trường-Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành mà Bộ trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây có tổng mức đầu tư 165.000 tỉ đồng, trong đó 84.000 tỉ đồng là vốn ngân sách. Ngoài giải phóng mặt bằng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho dự án, giao thông phục vụ 4 đường cất hạ cánh, sân đỗ… Những hạng mục này đều không sinh lợi nên Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư. Còn lại chủ đầu tư dự án sẽ vay vốn ODA (vay lại của Chính phủ và tự trả), việc vay này sẽ chỉ chiếm tỉ lệ 0,029% (tức chưa đến 0,1%), do vậy sẽ không làm tăng nợ công, bởi vay bao nhiêu chủ đầu tư sẽ trả bấy nhiêu, trần nợ công sẽ được thực hiện tuần tự để đảm bảo yêu cầu của Quốc hội không vượt quá 55-60%
Ông Lương Hoài Nam-chuyên gia về lĩnh vực hàng không cũng thông tin thêm rằng, để Long Thành có thể cạnh tranh được với cảng hàng không các nước trong khu vực thì dự án này phải đảm bảo đủ tính khoa học, tiện ích, giá phí và chất lượng dịch vụ. Hiện chúng ta đang chỉ có dịch vụ sân bay tối thiểu vì diện tích nhà ga chỉ có thế, trong khi sân bay hiện đại phải có khu mua sắm, ẩm thực lớn, có dịch vụ vui chơi giải trí cho người chờ lâu, cho trẻ em chứ không chỉ “lèo tèo” như các nhà ga sân bay hiện nay. Muốn sân bay Long Thành cạnh tranh được thì năng lực của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific… cũng phải mạnh lên và nhanh chóng kết nối. Theo ông Nam, hiện khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới chỉ bằng số lẻ của Thái Lan, Singapore (7 triệu khách so với 27 và 17 triệu khách), do vậy du lịch phát triển, tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng để Long Thành tăng cạnh tranh.
Thực tế, theo Bộ GTVT, nếu được xây dựng giai đoạn 1, Long Thành cũng chỉ có khả năng đáp ứng 25 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tân Sơn Nhất lúc đó sẽ trở thành sân bay nội địa. Hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới dự án này như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng dự án phải được phê duyệt thì dự án mới tiếp xúc được nhà đầu tư.