Sau những cái bắt tay thắm đượm tình đoàn kết là những câu chuyện về làng quê, về nông nghiệp, nông thôn giữa những “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” tưởng không bao giờ dứt.
Sôi nổi chuyện làm ăn
Nông dân Đặng Thị Dịu (Quảng Ninh), chia sẻ với nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác về lĩnh vực nuôi trồng hải sản. Chị thổ lộ, nuôi trồng thủy sản phải có vốn rất lớn, tuy còn rủi ro, nhưng nếu đầu tư bài bản, áp dụng quy trình nuôi trồng an toàn, khoa học thì hiệu suất lợi nhuận thu được vẫn tốt.
Anh Nguyễn Quang Trung kể về nghề trồng cây quế của ND tỉnh Yên Bái với nhiều triển vọng cho thu nhập khá trong những năm gần đây nhờ tìm được thị trường xuất khẩu ổn định ở các nước Nam Á. Từ câu chuyện nuôi thủy hải sản, trồng rừng, trồng hồ tiêu, cà phê, lúa gạo cho đến cây ăn quả… nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” lại quay ra trao đổi, thảo luận tới những chuyện vĩ mô- đó là nỗi lo của nhà nông khi một số lĩnh vực nông nghiệp khó “chống đỡ” trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Mặc dù đầu tư hiện đại, giàu kiến thức, kinh nghiệm, quy mô trang trại lên tới 800-900 đầu lợn nái, hơn 4.000 đầu lợn thịt siêu nạc, từng đi tham quan, học hỏi ở nhiều nước, nhưng anh Nguyễn Văn Đẩu (Bắc Ninh) vẫn trăn trở: “Tôi vẫn lo khi hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại thì nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi gia súc, gia cầm của Việt Nam sẽ khó chống đỡ trước sản phẩm nước ngoài. Lúc đó, người chịu thiệt là ND…”.
Theo nhiều nhà nông xuất sắc, việc xác định được khó khăn, thách thức không phải để ND lùi bước mà để có những giải pháp giải quyết. Theo anh Tăng Xuân Trường (Hải Dương), để giải quyết thách thức thì đòi hỏi ND phải đầu tư, áp dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để nông sản có tính cạnh tranh hơn. Còn anh Phạm Văn Tràng (Thái Bình) nêu quan điểm, chủ trang trại, ND SXKD giỏi phải nâng cao kỹ năng, kiến thức quản lý bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công…
Kết nối, chia sẻ trong sản xuất
Ngay buổi gặp mặt đầu tiên đã có nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc” tỏ ra “tâm đầu ý hợp” trong việc hợp tác sản xuất, kinh doanh. Chỉ người đàn ông luống tuổi, ăn mặc giản dị, chất phác đang vác cái máy ảnh to tướng, bà Bùi Thị Ba (Long An) nói: “Ổng là sư phụ của tui đấy. Trông thế thôi, chứ ổng làm ăn hoành tráng lắm nha”. Ông Xê (Bình Dương) là người tạo ra cây canh bông tím và chuyển giao kỹ thuật cho bà Ba. Hiện nay, ông Xê đang tập trung đặt mối quan hệ với ND các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để mở rộng vùng trồng một số loại cây có múi chủ lực, thế mạnh như bưởi da xanh, cam. “Tôi rất hy vọng dịp này gặp gỡ được nhiều ND giỏi ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để hợp tác sản xuất bởi đây là những vùng đất rất có tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại trái cây có múi” - ông Xê thổ lộ. Cũng rất tình cờ, anh Đào Tiến Tình trồng tiêu giỏi tỉnh Gia Lai gặp anh Ngô Bá Thịnh, người sáng chế các máy bơm nước, phun thuốc, gieo hạt, bón phân tự động ở Bình Phước trong dịp ra Hà Nội nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Anh Tình cho hay, anh mới sử dụng các loại máy của anh Thịnh tại trang trại trồng tiêu của gia đình. Sau những câu chuyện hỏi thăm về gia đình, quê hương, nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” tạo mối liên lạc với nhau bằng cách trao đổi số điện thoại và danh thiếp…
Hấp dẫn chuyện biển đảo, biên cương
Đến địa đầu biên cương Tổ quốc-xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), lão nông Vàng Vả Sài, dân tộc Mông, 68 tuổi được nhiều người hỏi thăm, nhất là câu chuyện về bảo vệ chủ quyền biên giới. Qua câu chuyện của ông, mọi người hình dung được sự vất vả, khó khăn nhưng cũng rất bền gan vững chí của người ND nơi biên cương. “Khó nhưng đồng bào vẫn có thể làm ăn khấm khá nếu được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ qua các mô hình như trồng cỏ nuôi bò, trồng ngô và đỗ tương…”- ông Sài thổ lộ.
Câu chuyện về anh Nguyễn Trính (Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa 6 tàu đánh cá công suất lớn ra làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông khiến nhiều người thích thú, khâm phục. “Tôi rất ủng hộ việc Chính phủ ra Nghị định 67 cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu lớn khai thác hải sản. HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng do tôi làm giám đốc được duyệt đóng 1 chiếc tàu sắt công suất 2.000CV…”- anh Trính tâm sự.
Chuyện của ngư dân bám biển khẳng định chủ quyền nhiều người còn được biết tới qua câu chuyện của các anh Lê Văn Chiến (Đà Nẵng); Trần Đình Ánh (Nghệ An); Nguyễn Công Hoan (Quảng Bình)…