Đến với bà con ND dân tộc Dao ở xã Nậm Mười trong huyện, thấy bà con đã bỏ đi những phong tục cũ trong việc tang, không còn địa táng tùy tiện theo lời thầy cúng như trước mà đã đi vào thực hiện chôn cất theo nghĩa địa tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Bàn Kim Vượng, một ND giỏi trong xã cho biết: Hàng năm, chúng tôi được Hội ND các cấp trong tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cho học tập nhiều lần về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nhất là những luật mới ban hành, những luật có thay đổi mới. Nhờ thế bà con ở đây đã nâng cao nhận thức, không chỉ biết đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình mà biết trách nhiệm, nghĩa vụ với công việc chung, với cộng đồng làng bản.
Còn bà Vũ Thị Lợi ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La thì bảo: ND chúng tôi được tuyên truyền pháp luật nhiều và được cán bộ nói cụ thể, có ví dụ hẳn hoi nên dễ hiểu, dễ nhớ. Như Luật Tài nguyên môi trường, khi nói về luật, cán bộ ví dụ rõ: Nhà ông A phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò là rất tốt, đáng biểu dương. Nhưng nếu để vật nuôi phá rừng, nương rẫy là vi phạm; để rác thải vật nuôi bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng nhà khác là vi phạm, vì thế phải có hố ủ phân, có hầm biogas.
Nói về dân số-kế hoạch hóa gia đình, chuyện sinh nhiều con, cán bộ cũng chỉ rõ: Đẻ nhiều con thì mới chỉ vì mục đích của cá nhân vợ-chồng, gia đình, dòng họ ấy. Nhưng xã hội tức là chính chúng ta lại phải đóng góp nhiều hơn để xây trường học, trạm y tế, đường giao thông, đào tạo cán bộ, giáo viên… để chăm sóc lại con người ấy. Như vậy đẻ quá nhiều con là gánh nặng cho xã hội trong khi Nhà nước ta còn nghèo, nên phải kế hoach hóa gia đình. Nói rõ như vậy thì ai cũng hiểu…
Ông Vũ Văn Đông - Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Chấn, nhận định: Với một huyện còn nhiều khó khăn như chúng tôi thì việc tuyên truyền pháp luật đối với người dân là rất quan trọng. Trong những năm qua, Hội ND các cấp trong huyện đã làm tốt vai trò này, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.