Năm nay đã gần 80 mùa rẫy nhưng già Mơl ở làng Nú (xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) vẫn còn trong ký ức nỗi đau đớn kinh hoàng khi phải trải qua lệ tục này… Thuở ấy con gái, con trai ở vào tuổi 14, 15 nếu không cà răng thì không được coi là “người đẹp”. “Cái răng, cái tóc là góc con người”, nhưng khác quan niệm của các dân tộc khác, với đồng bào Tây Nguyên thì “cái góc” ấy phải là răng cửa (6 chiếc) được mài cụt. Không được coi là người đẹp” chẳng những bị dân làng chê cười, không "bắt" được vợ được chồng mà khi chết ông bà sẽ không nhận về ở “làng ma”…
Lễ cà răng xưa thường được tiến hành vào những tháng nông nhàn hay các dịp lễ hội. Việc cà răng phải do một đôi người đàn ông trong làng thạo việc tiến hành và được trả công (thường là một con gà hay ghè rượu). Người được cà răng nằm ngửa, miệng ngậm một thanh gỗ mềm. Xung quanh sẽ có một vài người phụ giúp để giữ chân tay và động viên. “Thợ cà răng” dùng hai đầu gối kẹp chặt lấy đầu người được cà, dùng hòn đá mài 6 chiếc răng cửa sao cho mòn gần đến sát lợi…
Trong lúc ông thợ bình thản làm công việc theo lệ tục thì người bị cà răng vùng vẫy la hét, thậm chí thỉnh thoảng lại ngất xỉu vì đau đớn… Suốt tuần đầu, người bị mài răng mặt mũi sưng vù, răng buốt nhói phải nuốt cháo loãng. Chờ cho hết sưng người ta sẽ tiến hành nhuộm răng. Thuốc nhuộm là nhựa cây rang được đốt lên rồi đem chà vào răng; cứ sau mỗi bữa ăn bôi một lần. Sau khoảng một tháng, hàm răng sẽ trở nên đen bóng. Nhựa cây rang không chỉ làm cho răng bền chắc mà còn là thứ thuốc ngăn ngừa sâu răng hữu hiệu…
Cà răng tuy đau đớn đến rùng rợn như vậy nhưng là lệ tục chẳng đặng đừng nên trai gái làng không những tuân thủ mà với họ còn là những dịp vui. Vào mỗi “mùa cà răng”, tối tối họ tụ tập tại nhà rông ca hát và đốt nhựa cây rang để bôi răng. Đây cũng là dịp các thiếu nữ tỏ tình với bạn trai qua những cử chỉ chăm sóc lẫn nhau…
Theo già Mơl, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhờ cán bộ người Kinh xuống các làng tuyên truyền, đồng bào nơi đây đã bắt đầu bỏ việc cà răng. Tuy vậy phải đến những năm sau giải phóng, tục cà răng mới dứt hẳn. Đến Tây Nguyên bây giờ, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những người già với nụ cười nở ra như vành trăng khuyết – ấy là dấu tích của lệ tục cà răng một thời còn lưu lại…