Tuyển người chưa có kinh nghiệm
Nhắc tới những đợt tuyển dụng của ngân hàng là người ta nghĩ ngay đến các tiêu chuẩn khắt khe, cả tiêu chuẩn về bằng cấp, kinh nghiệm cũng như ngoại hình. Mặc dù mong muốn nhanh chóng có được nhân viên tốt nhất nhưng các ngân hàng vẫn dành khe cửa hẹp cho những người thiếu kinh nghiệm. Đó là chương trình tuyển thực tập viên.
Rất nhiều ngân hàng sớm tổ chức chương trình này. Tuy nhiên, đến bây giờ, chương trình này mới được nhiều ngân hàng đồng loạt triển khai với quy mô lớn.
VietABank vừa gây “sốc” trên thị trường lao động ngân hàng khi thông báo lựa chọn 800 sinh viên năm cuối ngành tài chính, ngân hàng trong chương trình “Chiến binh Sales”. 800 người là con số rất lớn so với ngân hàng có quy mô nhỏ như VietABank.
VietABank tuyển tới 800 nhân sự (Ảnh: Vneconomy)
Tất cả các tiêu chuẩn tuyển dụng đều được VietABank giảm “kịch sàn”. Nếu trước đây, muốn bước chân vào ngân hàng, ứng cử viên phải có học lực khá giỏi thì nay, tất cả sinh viên đại học năm cuối đạt học lực trung bình khá đều có cơ hội trở thành nhân viên kinh doanh của Vietabank.
Giữa tháng 8, Sacombank cũng thu hút sự chú ý từ dư luận khi công bố nhu cầu tuyển dụng “khủng”. Sacombank tuyển dụng tới 1.000 chuyên viên khách hàng trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh trong năm 2014 và 2015.
Theo đó, sinh viên năm cuối các ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán… điểm trung bình chung tích lũy tối thiểu 6,5/10 hoặc 2,6/4.0 và có chiều cao tối thiểu 1m65 đối với nam và 1m58 đối với nữ đủ tiêu chuẩn ứng tuyển.
Ngân hàng ACB có chương trình tuyển sinh viên thực tập năm 2015. Tuy nhiên, không phải sinh viên đại học năm cuối nào cũng có cơ hội trải nghiệm tại ACB. Những ai đạt điểm trung bình chung học tập tất cả các kỳ từ 7,5 trở lên mới đủ tiêu chuẩn.
Nhìn nhận sinh viên là nguồn nhân lực tiềm năng cho định hướng phát triển của ngân hàng, SeABank đã có hai năm tổ chức chương trình "Từ thực tập sinh tới Banker chuyên nghiệp SeABank". SeABank không công khai yêu cầu điểm số nhưng danh sách các tiêu chuẩn mà SeABank đặt ra không nhiều và không khắt khe.
Ngân hàng có mạo hiểm?
Giải thích cho việc cùng một lúc tuyển tới 800 người không có kinh nghiệm, lãnh đạo của VietABank cho biết mục đích chính của chương trình là tạo điều kiện và cơ hội cho tất cả các tân cử nhân có đam mê và mong muốn gắn bó với ngành ngân hàng phát huy năng lực của mình.
Còn với Sacombank, đây không phải lần đầu tiên chương trình này được triển khai. Sở dĩ đợt tuyển dụng này nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì chương trình có quy mô rất khủng, tuyển dụng tới 1.000 nhân sự.
Trước đó, chương trình “Thực tập viên tiềm năng” được Sacombank tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tạo điều kiện thực tập, tiếp cận thực tế, được đào tạo và trải nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp tại Sacombank cho sinh viên năm cuối.
Thực tập viên tiềm năng được Sacombank hỗ trợ một khoản phụ cấp trong suốt chương trình thực tập. Đây cũng là cơ hội để Sacombank phát hiện, bồi dưỡng những sinh viên có tố chất và năng lực trở thành cán bộ nhân viên chính thức sau khi kết thúc quá trình thực tập.
Đây cũng chính là lý do nhiều ngân hàng khác như ACB, TPBank, Seabank,… thậm chí cả ngân hàng nước ngoài áp dụng săn nhân tài và tạo cơ hội cho những người tài năng nhưng thiếu kinh nghiệm.
Ứng cử viên là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong các chương trình này. Khi được lựa chọn, sinh viên vừa có cơ hội được đào tạo, được làm việc và được trả thù lao xứng đáng. Ngân hàng cũng nhận được nhiều lợi ích khi phát hiện được “ngọc chưa mài rũa” trong những chương trình này.
Sau 2 năm triển khai, SeABank đánh giá ngân hàng đã xây dựng thành công mô hình tuyển dụng, đào tạo và phát triển các sinh viên mới tốt nghiệp trở thành những Banker chuyên nghiệp của SeABank.
Các ngân hàng khác không đưa ra đánh giá tương tự nhưng việc tổ chức liên tiếp những đợt tuyển dụng sinh viên năm cuối cho thấy họ không mạo hiểm khi chọn người chưa có kinh nghiệm vào làm việc.