Ông Quản Hành Quân - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng) cho biết, liên tục trong những năm qua, nguồn nước ở hồ Chiến Thắng, Tuyền Lâm, Suối Vàng đều rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Kết quả phân tích cho thấy tất cả các mẫu nước đều không đạt quy chuẩn kỹ thuật QCVN 08:2008/BTNMT. Cụ thể, TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt tới 31 lần, amoni vượt 17 lần, nitrit vượt 2- 27 lần, photphat vượt tới 13 lần, sắt mức vượt cao nhất 21 lần, malation vượt tối đa 2,6 lần, E.coli mức vượt cao nhất 1.200 lần, coliform vượt 90 lần. Bên cạnh đó, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng đã phát hiện một số hoạt chất thuộc nhóm chlor và lân hữu cơ với mức vượt từ 2-3 lần. Theo kết quả phân tích mẫu trầm tích so với QCVN 43:2012/BTNMT, chỉ tiêu asen ở hồ Chiến Thắng mức vượt từ 6,3-9,1 lần, chỉ tiêu thủy ngân mức vượt từ 8,6-20,2 lần ngưỡng an toàn cho phép.
Ông Lương Văn Ngự- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua nhiều năm tiến hành quan trắc, phát hiện nguồn nước đầu vào cấp cho sinh hoạt ở TP.Đà Lạt có dấu hiệu ngày càng suy giảm cả về lượng lẫn chất. Nguyên nhân là do việc quản lý hành lang nguồn nước chưa được chặt chẽ. Trên thượng nguồn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vẫn được tiến hành, các loại chất thải (rắn và lỏng) phần lớn chưa được kiểm soát, nhất là của các điểm du lịch gần các hồ chứa nước.