Khổ như xuất mật ong
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để ưu đãi, kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, điển hình là Nghị định 61 về khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này. Song hầu hết trong số hơn 100 DN tham dự diễn đàn đã chia sẻ đủ thứ bức xúc với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mật ong đã đạt 40.000 tấn, đưa ngành ong vào tốp 3 thế giới. Tuy nhiên, hiện khó khăn của ngành ong là thiếu vốn nên vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. “Đặc biệt là những thủ tục về kiểm dịch mật ong và đàn ong nuôi hiện nay rất phức tạp”- bà Hằng gay gắt nói.
Bà Hằng nói rõ: Theo quy định hiện hành, với mỗi một đàn ong nuôi hay sản phẩm mật ong từ 200kg trở lên phải có một giấy phép kiểm dịch thú y mới được vận chuyển ra khỏi huyện và tỉnh. Trong khi, giấy phép này chỉ có thời hạn 1 ngày và để cấp giấy phép cho sản lượng hơn 40.000 tấn mật ong phải có hàng ngàn giấy phép thì phải mất khoảng 6 năm người nuôi ong mới xin đủ giấy phép.
Nghe xong chia sẻ của bà Hằng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát bức xúc nói: “Chỉ nhìn bằng mắt thường thì làm sao biết được trong mật ong và đàn ong có virus, nếu cứ người nuôi ong tìm thú y để xin giấy phép, thì có thể khi xin được giấy phép đàn ong của họ đã… chết rồi”. Ông Phát yêu cầu Cục Thú y phải trả lời, nếu người nuôi ong muốn đưa đàn ong từ miền Nam ra miền Bắc thì phải xin tới bao nhiêu giấy kiểm dịch?
Được yêu cầu trả lời, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay việc kiểm dịch động vật và các sản phẩm từ động vật vẫn thực hiện theo Quyết định số 86 năm 2005 của Bộ NNPTNT. Đây là quyết định quy định mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y.
Tuy nhiên, qua rà soát các quy định hiện hành, ông Đông khẳng định không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thời gian cụ thể cho các giấy phép kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển trong nước. Theo ông Đông, việc “đẻ” ra giới hạn thời gian cụ thể là do cơ quan thú y cấp tỉnh hoặc cấp huyện quy định. Liên quan tới giấy kiểm dịch sản phẩm mật ong và ong nuôi, Cục Thú y sẽ chỉ đạo tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản và sẽ có báo cáo cụ thể lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT vào ngày 19.10 tới đây.
Đủ kiểu “phạt” doanh nghiệp
Không chỉ liên quan tới các thủ tục hành chính, tại Diễn đàn DN đầu tư vào nông nghiệp hôm qua, các DN, hiệp hội, ngành hàng đều đưa ra rất nhiều bức xúc về chính sách dành cho DN.
Ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam đại diện cho các DN nhỏ và vừa của TP.Hà Nội cho biết: “Tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, DN vốn đã gặp đủ thiệt thòi do thời tiết, giá cả, thị trường, nhưng cũng không nhận được hỗ trợ gì của Nhà nước. Đã thế lại có nhiều chính sách đang hành DN nhỏ. Chẳng hạn, nếu Thông tư 03 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật được ban hành, sẽ có khoảng 60% DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này không tồn tại được”. Không những thế, theo ông Thắng, hiện nay DN phải chịu phạt quá nhiều, phạt từ trên xuống dưới, cơ quan nào cũng chỉ tìm đến DN để kiểm tra và… xử phạt.
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, bức xúc nhất hiện nay của ngành đường vẫn là tình trạng đường lậu được vận chuyển một cách công khai vào nước ta. “Mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường lậu được đưa vào nước ta một cách công khai, dù hiệp hội đã có báo cáo đầy đủ số lượng, tên các đầu nậu, số điện thoại, phương thức vận chuyển đường lậu cụ thể nhưng các cơ quan chức năng vẫn… chưa xử lý được”- ông Long nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, trong năm 2013 có hơn 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập mới, nhưng lại có tới hơn 1.300 DN trong lĩnh vực nông nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ riêng cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 210, các quyết định tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, thuỷ sản, nhưng cả trước mắt và lâu dài DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trước những bức xúc của các DN, ông Phát hứa sẽ yêu cầu các đơn vị giải quyết và trả lời bằng văn bản, các nội dung liên quan tới các bộ ngành khác Bộ NNPTNT sẽ có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và ngày càng lớn mạnh.