Người đàn bà xấu số trên có tên Kiều Thị Huệ, 51 tuổi, trú tại thôn Thượng Khê, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Xác bà được tìm thấy trên dòng sông ngay sát những thửa ruộng nhà mình.
Người đàn bà đắm đuối với ruộng đồng
Nhà bà Huệ khuất sâu trong một ngõ nhỏ, một căn nhà cấp 4, tạm gọi là kiên cố. Tuy nhiên, ở cái nơi mà cách trung tâm Thủ đô chỉ chừng 20km thì nóc nhà ấy có thể coi là một "dấu hiệu" nhận biết cái sự nghèo vẫn đeo đẳng gia đình bà. Đó chính là lý do khiến bà - dù đã ngoài tuổi 50 - nhưng vẫn giữ lại 6 sào ruộng của gia đình để canh tác. Thậm chí, tham công, tiếc việc, bà còn chủ động "ôm" thêm 1,1 mẫu ruộng từ bà con chòm xóm theo hình thức nộp sản khoán.
Ngôi nhà của bà Huệ. (Ảnh: Thọ Phước)
"Tôi và bà ấy về với nhau đã hơn 30 năm có lẻ, có với nhau ba mặt con, toàn con trai hết. Cuộc sống chỉ trông vào đồng ruộng nhưng được cái con cái đều khỏe mạnh. Thằng lớn nhà tôi đã lấy vợ, giờ đang công tác ở một đơn vị bộ đội trên Hòa Bình. Thằng thứ hai cũng đã có gia đình riêng, vợ chồng làm nghề cắt tóc trên Thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Thằng út thì chưa lập gia đình nhưng cũng có công việc ổn định tại một xưởng mộc. Vài năm nay, bà nhà tôi chủ động nhận thêm 1,1 mẫu ruộng nữa về để bõ công canh tác vì nhà tôi cũng đã có 6 sào. Tính ra, mỗi sào nhận thêm, gia đình tôi phải trả cho người ta chừng 80kg/sào/năm. Mỗi năm có hai mùa nên nếu làm tốt, được trời thương, thóc lúa cũng dôi ra vài tạ/sào. Với 1,7 mẫu ruộng thì cũng có đồng ra, đồng vào theo kiểu lấy công làm lãi anh ạ!" - ông Nguyễn Văn Bình, chồng của bà Huệ tiếp chuyện.
Cũng theo lời ông Bình xưa nay công việc đồng áng do một tay vợ ông chăm lo. Ông và các con chỉ làm theo sắp xếp của bà. "Thi thoảng tôi đi làm thợ xây. Tiền công tôi lại đưa cho bà ấy để đổ hết vào đồng ruộng hết" - vẫn lời ông Bình.
"Mẹ em chăm bẵm ruộng đồng ghê lắm! Từ lúc xuống mạ đến lúc cấy hái đều do một tay mẹ em làm. Đi cấy thì 4 giờ sáng là mẹ em đã dậy để ra đồng rồi. Có những hôm nhìn nhầm đồng hồ tưởng 1 giờ là 4 giờ nên bà thức dậy rồi ra đồng cấy hái luôn. Bà làm đến tận 11 giờ đêm mới về, cơm nước chỉ qua loa thôi! Ở làng này, nói về cấy nhanh và cấy đẹp thì mẹ em là nhất" - cậu con trai thứ hai của bà Huệ vừa nói vừa rưng rưng nhìn di ảnh của mẹ trên bàn thờ đang nghi ngút hương khói.
"Lúc nông nhàn, bà ấy thường ra trông cháu cho con cái làm việc. Còn lại, khi phải lo việc ruộng đồng, bà ấy lại về để một tay thu vén. Từ những công việc nặng nhọc như phun thuốc sâu, làm cỏ bà ấy cũng tự tay làm chứ không thuê mướn gì sất" - ông Bình tiếp lời.
Trao đổi với PV Dòng Đời về vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng thôn Thượng Khê, xã Cấn Hữu xác nhận: “Theo tôi, việc bà Huệ nhảy cầu tự vẫn là do trầm cảm. Còn lý do dẫn tới trầm cảm có thể là bởi đồng ruộng mất mùa. Tôi có đi nắm bắt thông tin thì được biết trước đó, bà Huệ có than vãn nhiều về chuyện mất mùa, lo không có thóc trả sản. Khoảng 1 tuần trước khi chết, bà ấy trở nên lầm lì, ít nói hẳn. Không hiểu do trùng hợp hay không, trước đó bà cũng từng chứng kiến một vụ nhảy cầu tự tử khác cũng xảy ra tại cầu Hòa Thạch. Có thể do vậy nên suy nghĩ về cái chết thêm ám ảnh bà ấy chăng?”.
“Bọn em mất mẹ thật rồi các anh ạ”
"Tâm huyết với ruộng đồng như vậy, nhưng vụ lúa năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 hồi giữa tháng 9 và cả sâu bệnh nữa nên lúa mất mùa đến thảm hại. Bà nhà tôi cứ bần thần ra như kẻ mất hồn. Cứ vài ngày, bà ấy lại ra ruộng lúa rồi mang về những lời thở than. Càng đến gần ngày thu hoạch, những bông lúa lại càng lép kẹp nên bà ấy cả nghĩ, nhưng chúng tôi không ngờ bà ý lại làm điều không ngờ ấy. Đau xót quá các chú ạ" - ông Bình thõng người. Cả những người con của ông Bình và những người hàng xóm mà chúng tôi tìm gặp đều xác nhận câu chuyện này. Tất cả đều cho biết, trước đó bà Huệ không có mâu thuẫn với ai.
Hiện trường hôm phát hiện xác bà Huệ trôi sông. (Ảnh: Thọ Phước)
Đến ngày 30.9, một người đánh cá tìm thấy thi thể bà Huệ trên một khúc sông gần cầu Hòa Thạch (thuộc xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Lúc này, thi thể bà Huệ đã bắt đầu có dấu hiệu bị phân hủy. Bà Huệ nhanh chóng được chính quyền xác nhận là chết do nhảy cầu dẫn tới đuối nước, tử vong.
Nhớ lại những biểu hiện bất thường của mẹ mình trước lúc mất, anh Nguyễn Văn Hiệp, con trai thứ hai của bà Huệ cho hay: "Ngày 28.9, tận chiều tối cả nhà em vẫn không thấy mẹ về. Lo lắng quá nên cả nhà tỏa đi khắp nơi để tìm mẹ. Thậm chí, em có ra cả Đài truyền thanh huyện Quốc Oai để xin được loan tin trên hệ thống loa phát thanh. Tuy nhiên, qua hai ngày vẫn bặt tin mẹ. Đến sáng 30.9 gia đình nhận được tin tìm thấy mẹ em dưới chân cầu Hòa Thạch. Bọn em mất mẹ thật rồi các anh ạ!".
Tiếp lời con, ông Bình nói thêm: "Trước đó, bà nhà tôi đã nói với nhiều người chuyện mất mùa, không biết lấy đâu ra thóc mà trả khoán người ta. Bà ấy cũng băn khoăn xem mảnh ruộng 4 sào có nên gặt hay không vì nếu gặt cũng chỉ đạt 30 - 40 kg/sào nhưng công thuê máy gặt cũng vào khoảng 160.000đ/sào. Một tuần trước khi bỏ đi, tự nhiên thấy bà ấy lầm lì, ít nói hẳn".
"Vụ lúa năm nay coi như mất trắng. 1,7 mẫu ruộng xem chừng chưa thu được 1 tấn thóc, tính ra chưa đạt khoảng khoảng 60kg/sào. Hàng năm, với chừng ấy ruộng, thóc nhà tôi phải được khoảng 5 tấn. Chắc bà ấy tiếc cái công ngày đêm chăm bón, rồi tiền bạc đầu tư vào lân đạm, thuốc trừ sâu... nên cả nghĩ. Bà ấy đắm đuối với đồng ruộng quá anh à!", người chồng bất hạnh nói thêm.
Trong hương khói nghi ngút, thi thoảng ông Bình lại giục cậu con trai thứ hai ra chũi lại thóc đang phơi trong khoảng sân chật hẹp trước cửa nhà. Chỉ vào đống thóc chừng hơn tạ, ông Bình buông tiếng thở dài: “4 sào mới được từng đó lúa đấy anh à! Bà ấy đi rồi, có lẽ tôi cũng trả ruộng cho người ta thôi. Còn bà ấy thì còn người vun vén ruộng đồng. Giờ bà ấy mất rồi, bố con tôi có biết gì về mùa vụ, thóc lúa đâu!”.
Thắp nén hương cho người đã khuất, chúng tôi xin phép ra về. Chúng tôi ngoái nhìn đống thóc vun lại trước sân như một nấm mồ được vun từ bông lúa. Cầu mong bà Huệ siêu thoát và an nghỉ chốn vĩnh hằng, nơi bà không còn phải lo lắng về những thửa ruộng với bông lúa lép.
Trầm cảm kéo dài dễ tự tử
Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh với các triệu chứng mệt mỏi, thay đổi thất thường dễ bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc kéo dài. Họ mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn vì trầm cảm nhưng lại cho rằng đó là sự thay đổi cơ thể khi bước vào tuổi mãn kinh. Những người mắc bệnh trầm cảm thường luôn buồn bã, đánh mất ý chí, nghị lực; thờ ơ với cuộc sống cũng như mất đi những thú vui hằng ngày. Họ thường luôn có ý nghĩ bi quan, đau khổ, dằn vặt bản thân, cho rằng mình vô dụng, cộng với kinh tế khó khăn, lo lắng về cuộc sống càng khiến họ dẫn đến ý tưởng tự sát. Nếu như người nhà có kiến thức về trầm cảm chắc chắn sẽ nhận biết được để giúp đỡ người bệnh. Tuy nhiên, kiến thức của người dân về vấn đề này còn rất mỏng. Cũng theo bác sĩ Cương, tỷ lệ người Việt Nam bị mắc các bệnh tâm thần (trong đó có trầm cảm) ngày càng tăng. Nếu điều tra năm 2013, tỷ lệ người gặp các rối loạn tâm thần khoảng 14,9% thì điều tra sơ bộ năm 2014 cho thấy, con số này có thể lên đến 20% (tương đương với hơn 18 triệu người).
Diệu Linh (ghi)