Qua nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện chính sách thuế ở Việt Nam thời gian qua, có thể nói các cơ chế ưu đãi thuế đã có tác động tích cực trong việc khuyến khích và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện cải cách nền kinh tế, tạo ra mức tăng trưởng kinh tế cao cho Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực từ việc huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư, việc thực thi chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi thời gian qua cũng đã thể hiện ra các hạn chế, tồn tại.
Cùng với hệ thống pháp luật về quản lý thuế và bộ máy cơ quan quản lý thuế đang tiếp tục được cải cách, hoàn thiện, chất lượng hiệu quả công tác quản lý thuế ngày càng được nâng cao. Mặc dù vậy, việc giám sát tuân thủ pháp luật thuế, phát hiện và ngăn chặn các hành vi lợi dụng sơ hở của pháp luật, lợi dụng các cơ chế ưu đãi thuế để gian lận thuế, tránh thuế còn nhiều hạn chế. Trong thực tế, có rất nhiều bằng chứng về việc các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lợi dụng kẽ hở của chính sách thuế, sự quản lý không chặt chẽ và thiếu hiệu quả của cơ quan thuế để trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các hoạt động chuyển giá, lợi dụng các ưu đãi thuế để tránh và trốn thuế phải nộp ở Việt Nam. Qua thống kê số liệu báo cáo về kiểm tra và truy thu thuế của cơ quan thuế cho thấy, gian lận thuế làm cho ngân sách nhà nước tổn thất mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Các biện pháp ưu đãi về thuế không thực sự là cơ chế thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nó chỉ thực sự mang lại lợi ích cho nhà đầu tư trong nước, và tạo ra sự thuận lợi hơn về nguồn lực tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu của dự án đầu tư. Động lực thực sự thu hút các nhà đầu tư là các yếu tố về môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh đồng bộ, khả năng phát triển và chiếm lĩnh thị trường và tỷ suất lợi nhuận cao. Mặt khác, cơ chế ưu đãi thuế thiếu hiệu quả, quản lý giám sát việc áp dụng ưu đãi thuế không chặt chẽ, bị lợi dụng cũng làm cho Chính phủ mất đi nguồn thu rất lớn mà đáng lẽ đã được huy động cho ngân sách để có thêm nguồn lực chi tiêu cho các dịch vụ công, an sinh xã hội và đảm bảo công bằng xã hội.
Nguồn: Báo cáo nghiên cứu tổng quan Chính sách thuế của Việt Nam với mục tiêu công bằng, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo (ActionAid Việt Nam).