Tương truyền rằng số phận của vương triều Hồ cũng như cha con vua Hồ đã được báo trước từ bài thơ trong một giấc mộng lạ kỳ của Hồ Qúy Ly. Sách Việt sử tiêu án có đoạn viết như sau:
“Qúy Ly nằm mộng thấy một vị thần đọc thơ rằng:
Nhị nguyệt tại gia/ Tứ nguyệt loạn hoa
Ngũ nguyệt phong ba/ Bát nguyệt sơn hà
Thập nguyệt long xa
Nghĩa là:
Tháng hai ở nhà/ Tháng tư loạn hoa
Tháng năm sóng gió/ Tháng tám núi sông
Tháng mười xe rồng
Đến khi nghe tin quân Minh lại sang, Qúy Ly mới có ý lo sợ. Trước vua Nghệ Tông nằm mộng được câu thơ bạch kê, rồi họ Hồ cướp ngôi; Qúy Ly nằm mộng được câu thơ phong ba, sơn hà rồi bị bắt giải về Kim Lăng, thế gọi là làm điều bất thiện tất trong lòng tự biết trước.
Tháng 2 năm sau, Hồ Trừng bị thua ở Lỗ Giang, tháng 4 hai cha con họ Hồ phải đi ra biển, liền bị hại ở Điển Canh; tháng 5 bị bắt ở cửa biển Chi Chỉ; tháng 8 bị giải đi, tháng 10 bị giết. Số tháng trong bài thơ đều đúng cả”.
Một câu chuyện khác về kết cục triều Hồ cũng liên quan đến thơ ca, đó là câu chuyện về vị vua thứ hai của triều Hồ là Hồ Hán Thương đốt núi Na.
Núi Na ở xứ Thanh Hóa (nay thuộc xã Cổ Định, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) xưa kia là một ngọn núi cao, nhiều cây cối. Tương truyền trong núi có một động dài, hẹp rất hiểm trở, là nơi sinh sống của một ẩn sĩ.
Người ẩn sĩ ấy hàng ngày mang củi xuống chợ đổi cá, rượu chứ không phải để bán. Tính tình vui vẻ, ai cũng quý mến nhưng hỏi đến tên họ, nhà cửa thì ông chỉ cười mà không trả lời.
Vào một năm, vua Hồ Hán Thương tổ chức đi săn, chợt gặp người ẩn sĩ ấy đi trên đường, vừa đi vừa hát, trong đó có câu:
Toán vãng, cổ lai kim khanh tướng/ Thạch triện đài man.
Tranh như ngã trạo đầu nhất giác/ Hồng nhật tam can.
Nghĩa là:
Từ xưa khanh tướng ngôi cao/ Đá mời rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
Sao bằng ta được thảnh thơi/ Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.
Hồ Hán Thương đoán là một ẩn giả, không phải người thường, bèn sai một viên quan tên là Trương Công đuổi theo mời lại nhưng người ấy thoát cái đã đi đến núi vào trong động. Viên quan họ Trương vất vả vượt đá gập ghềnh, vén cây rẽ lá mãi mới đến được thì trời cũng xẩm tối. Ông thấy một am nhỏ, vị ẩn sĩ đang ngồi chơi cờ với mấy đứa trẻ.
Vị ẩn sĩ thấy vị quan, lấy làm ngạc nhiên, hỏi nguyên cớ thì được biết người này theo lệnh đến mời mình ra gặp vua, ông liền từ chối nói đã lánh đời, không quan tâm đến việc chính trị đương thời. Sau đó ông mời viên quan dùng cơm tối và nghỉ lại.
Sáng hôm sau, viên quan dùng mọi lý lẽ thuyết phục vị ẩn sĩ nhưng ông nhất quyết không đồng ý, lại còn nói rằng vua quan bấy giờ đều ít lo đến dân, chỉ ham ăn chơi, dùng luật pháp gò bó dân chúng, ưa kẻ nịnh xa người tài… Cuối cùng ông nói rằng nếu không thay đổi sẽ không tránh khỏi tai vạ, nay không thể ra để rồi cùng mang họa vào thân.
Viên quan kia không biết làm sao đành tìm đường ra khỏi núi, thuật lại mọi chuyện cho vua mình biết. Nghe xong, Hồ Hán Thương tuy không bằng lòng nhưng vẫn sai Trương Công đi thuyết phục lần nữa. Nhưng ông này vào tìm thì không thấy người đâu, chỉ thấy trên vách đá trong động đề hai câu thơ:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn/ Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.
Nghĩa là:
Kỳ La cửa biển hồn thơ dứt/ Cao Vọng đầu non dạ khách buồn.
Ông lại ra kể lại, bấy giờ mọi người không hiểu ý hai câu là gì, chỉ thấy có vẻ hơi hướng trào phúng. Hồ Hán Thương cả giận sai đốt cháy cây cối trong núi, cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa.
Người đời về sau nói rằng vua quan nhà Hồ gặp phải tai họa, đúng như lời thơ. Khi sự việc xảy ra, người ta mới biết ý tiên đoán của hai câu thơ. Kỳ La còn được dân địa phương đọc chệch là Kỳ Lê có nghĩa là trói họ Lê, tại đó có núi Thiên Cầm có nghĩa là trời bắt và Cao Vọng cũng là nơi mà cha con Hồ Quý Ly bị bắt.
Câu thơ đọc lên khiến người ta cứ có cảm nghĩ như đây là những câu sấm ký của người ẩn sĩ núi Nưa về số phận của một đế vương, một triều đại.
XEM THÊM >> Về lời tiên tri Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi vua