Họ đang thảo luận sôi nổi về những phát ngôn kỳ quặc của Thủ tướng và chờ xem khi nào những lời lẽ đó trở thành “gậy ông đập lưng ông” theo qui luật boomerang.
Một vài ngày trước đây, ông Abbott tuyên bố với các phóng viên truyền hình Australia rằng ông ta sẽ phân xử với ông Putin và đòi Tổng thống Nga phải có câu trả lời liên quan đến vụ rơi máy bay Malaysia MH17 ở Ukraine ngày 17.7. Trong thảm kịch này, trong số những nạn nhân tử vong có 26 người Australia.
Ông Tony Abbott tuyên bố: "Tôi dự định “ra đòn trực diện" với ngài Putin và đòi hỏi câu trả lời… Chúng tôi thừa nhận rằng các vị không muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng tôi đòi các vị phải hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Và nếu điều tra hình sự xác định được các nghi phạm, mà các vị có ảnh hưởng, thì những kẻ đó phải ra trước tòa và chịu sự trừng phạt".
Thủ tướng Australia rõ ràng ám chỉ rằng thảm kịch với máy bay “Boeing” của Malaysia bằng cách nào đó đã là do lỗi của các dân quân đang hoạt động tại thời điểm này ở đông-nam Ukraine. Phải nói thêm rằng, khác với quân đội Ukraine, dân quân không có thứ vũ khí đủ khả năng bắn hạ máy bay dù là cố tình hay nhầm lẫn chăng nữa.
Bây giờ hãy xem lời hứa hẹn của Thủ tướng Australia. "Ra đòn trực diện" là lối biểu đạt thuần túy kiểu Úc, có nghĩa là một chiêu thức bị cấm trong môn bóng bầu dục, khi một cầu thủ xông tới đánh vai vào ngực đối thủ và gạt chân làm người đó ngã xuống.
Hẳn là sẽ rất thú vị nếu được xem Thủ tướng Australia thực hiện lời hứa và đối địch với Tổng thống Nga lừng danh là võ sĩ judo lão luyện. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của mạng Mỹ CNBC, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bình luận tương tự như vậy về lời đe nẹt của ông Abbott.
Ông Dmitry Medvedev nhận xét: "Nếu ông ấy (Thủ tướng Australia) thích diễn đạt bằng thuật ngữ thể thao thì xin cứ việc. Trong ý tưởng về thể thao thì ông Putin là người rất tiên tiến và tôi nghĩ họ (tức ông Abbott và ông Putin) sẽ có cuộc “tranh luận” rất mạnh. Nhưng nói chung, bất kỳ chính trị gia nghiêm túc nào cũng nên cẩn trọng chú ý những gì mình nói ra”, ông Medvedev tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của CNBC.
Những lời lẽ nhắm vào Tổng thống Nga cũng nhận được đánh giá tương tự của một Thượng nghị sỹ nổi tiếng từ Quốc hội Liên bang Australia, bà Jasqui Lambie.
Nữ chính khách uy tín nói: “Hành vi như vậy chính là biểu hiện của tư cách xấu. Tôi nghĩ rằng không nên dọa dẫm Tổng thống Nga mà cần chìa ra cành oliu hòa bình. Những chính khách nghiêm túc thực sự quan tâm đến lợi ích đất nước sẽ không xử sự như vậy. Hành vi của ông Thủ tướng không nên gọi cách nào khác là đáng ô nhục”.
Do sự trớ trêu của số phận, cuộc tấn công bằng ngôn từ của ông Abbott trùng vào thời điểm xuất bản ở Australia cuốn hồi ký của người tiền nhiệm, nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước, bà Julia Gillard, với nhan đề "Câu chuyện của tôi”. Trong hồi ký, bà Gillard gọi ông Abbott là kẻ xấc xược thiếu giáo dục. Rất khó dẫn ra những đoạn trích trong cuốn sách này nói về lời lẽ của nhân vật Abbott, bởi chứa đựng rất nhiều từ khác thường thô tục.
Đánh giá về những gì mà ông Abbott làm, thì nhận xét chê trách của những nhân vật nổi tiếng khác ở Australia còn thẳng thừng hơn nữa. Nhưng dù sao, chính một con người như vậy đang đứng đầu Chính phủ Australia. Cho đến thời điểm này.
Theo tư liệu của những cuộc thăm dò dư luận xã hội mới nhất, ông Abbott đã thua kém 10% về mức tín nhiệm so với đối thủ chính của ông ta là nhà lãnh đạo Công đảng đối lập. Nhìn chung, có vẻ là lời tiên tri của cựu Thủ tướng Australia thành viên Công đảng Paul Keating đang trở thành sự thực. Ngay từ trước ngưỡng cuộc bầu cử mà kết quả đưa ông Tony Abbott lên nắm quyền vào mùa thu năm 2013, ông Keating đã buông ra cụm từ mà bây giờ ngày càng nhiều báo chí trích dẫn: "Nếu khi nào Tony Abbott trở thành Thủ tướng của Australia, thì đất nước chỉ còn biết cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp!”.